Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nhiều mô hình kinh tế tập thể (KTTT), đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP. Phổ Yên đã có bước phát triển ổn định, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, ở phường Đông Cao (TP. Phổ Yên) thu hoạch rau cần tây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. |
HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (ở tổ dân phố Soi Trại, phường Đông Cao) được thành lập năm 2017, là một trong số các đơn vị KTTT tiêu biểu của TP. Phổ Yên. Hiện, HTX có 25 thành viên, vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng (tăng 16 thành viên và trên 700 triệu đồng vốn điều lệ so với năm 2017). HTX đang sở hữu diện tích 1,6ha nhà màng, nhà lưới đảm bảo phục vụ sản xuất rau ăn lá, rau củ và cây gia vị đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Chị Đinh Thị Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, chia sẻ: Năm 2020 và 2021, HTX được ngành chức năng của tỉnh và TP. Phổ Yên hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng 12.000m2 nhà màng, nhà lưới, trị giá trên 900 triệu đồng. Đồng thời, tập huấn kiến thức sản xuất rau an toàn VietGAP. Nhờ đó, hoạt động sản xuất rau an toàn của HTX ngày càng ổn định, hiệu quả, sản lượng, chất lượng rau được nâng lên.
Từ năm 2017 đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao đã ký kết hợp đồng cung ứng 4-5 tạ rau/ngày cho Công ty thực phẩm Nguyên Phong (Hà Nội), với giá bán cao hơn thị trường 20-30%. Đầu năm 2023, HTX cung ứng 4 tấn cần tây, cải bó xôi cho doanh nghiệp sản xuất bột thiên nhiên Nguyên Việt (xã Minh Đức, TP. Phổ Yên). Hiện thu nhập của mỗi thành viên HTX đạt 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, nhiều đơn vị KTTT khác trên địa bàn TP. Phổ Yên cũng được hỗ trợ, tiếp sức kịp thời như: Tổ hợp tác rau Việt Hùng, Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh, HTX chè Công Tâm Minh Đức, HTX chăn nuôi Phúc Tân… Hình thức hỗ trợ cũng đa dạng, như: tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí mua máy móc, cây con giống… Qua đó, giúp các đơn vị KTTT hoạt động ngày càng hiệu quả.
Như tại HTX chè Công Tâm Minh Đức, anh Thạch Thọ Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, cho hay: Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 60% chi phí phân bón, giá giống chè mới, tương đương trên 700 triệu đồng; 100% chi phí lần đầu cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 12ha chè. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng hỗ trợ HTX 200 triệu đồng kinh phí mua máy đóng gói tự động, máy hút chân không và máy sao chè. Ngoài ra, khi tham gia Chương trình OCOP, thành phố cũng hỗ trợ HTX gần 120 triệu đồng kinh phí làm tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm.
Theo thống kê của Phòng Tài chính – Kế hoạch TP. Phổ Yên, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn có 11 HTX được thành lập mới. Toàn thành phố hiện có 33 HTX đang hoạt động, thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thương mại – dịch vụ… Trung bình doanh thu của các HTX đạt 7,4 tỷ đồng/đơn vị/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 300-400 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Đạt được kết quả này, thời gian qua, TP. Phổ Yên đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai hiệu quả nhiều chương trình tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nâng cao trình độ cho các quản lý HTX…
Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng chuyên mục “Phát triển HTX” trên trang thông tin điển tử của địa phương (http://http:/phoyen.thainguyen.gov.vn); tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến HTX trên hệ thống “một cửa” của thành phố; thủ tục đăng ký HTX cũng được xây dựng trên cổng dịch vụ công trực tuyến… Qua đó, giúp người dân, thành viên HTX dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin, làm các thủ tục liên quan đến HTX.
Để KTTT, đặc biệt là HTX hoạt động hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, TP. Phổ Yên sẽ đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các HTX, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở làm việc của HTX, mua trang thiết bị phục vụ hoạt động; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm…