Với trên 22.000ha chè hiện có, mỗi năm, Thái Nguyên sản xuất được trên 272.000 tấn chè búp tươi; sản lượng chè qua chế biến đạt trên 54,4.000 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp, 163 hợp tác xã, 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao. Để sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm này.
Sản phẩm trà Thái Nguyên tham gia Phiên chợ Nông sản, Đặc sản vùng miền 2024 tại Hà Nội. |
Là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản (NLS) và thủy sản tỉnh luôn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Trong đó, tăng cường quản lý chất lượng chè – cây trồng chủ lực, có tiềm năng, lợi thế và có giá trị kinh tế cao, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm.
Một trong những nhiệm vụ được Chi cục chú trọng là phối hợp với các địa phương phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) thông qua các lớp tập huấn…
Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Trung du Tân Cương (TP. Thái Nguyên), cho biết: Thông qua hoạt động tuyên truyền của các cấp, ngành chức năng, chúng tôi đã nắm được quy định của Luật ATTP, đặc biệt là nguyên tắc quản lý ATTP với những yêu cầu bắt buộc như: Trách nhiệm phải đảm bảo ATTP của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về ATTP đối với các loại thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, chúng tôi hiểu việc quản lý ATTP phải dựa trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng. Quản lý ATTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP… Nhờ hiểu biết về pháp luật, người sản xuất, kinh doanh chè ở Tân Cương cho biết chung và gia đình tôi cho biết riêng luôn có ý thức trong việc nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh ATTP đối với sản phẩm chè, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh… – Ông Nguyễn Thanh Dương
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT giao, Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thủy sản tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các vùng trọng điểm của tỉnh nhằm xử lý nghiêm đối với các cơ sở pha trộn tạp chất vào chế biến chè; kiên quyết ngăn chặn không để tái diễn tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Trong quá trình sản xuất sản phẩm, Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) luôn đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. |
Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thủy sản tỉnh, cho biết: Riêng năm 2024, Chi cục đã tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn theo Quyết định số 521/QĐ-SNN ngày 26/8/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT; tham gia Đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở về quy trình sản xuất, vệ sinh môi trường, điều kiện vệ sinh ATTP và thẩm định hồ sơ, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao đối với sản phẩm chè Thanh Hải Trà (HTX chè La Bằng) và sản phẩm Miến dong Việt Cường (HTX miến Việt Cường).
Ngoài ra, Chi cục còn tiến hành rà soát các cơ sở được cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và thu hồi giấy chứng nhận đối với 1 hợp tác xã chè; cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 47 chuỗi chè… – Bà Lê Thị Quỳnh Hương
Để công tác quản lý chất lượng sản phẩm chè đạt hiệu quả cao hơn, góp phần đưa hương chè Thái Nguyên đến với thị trường trong và ngoài nước, thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thủy sản tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tiến hành lấy mẫu sản phẩm chè để kiểm nghiệm về chất lượng. Đồng thời, tăng cường tham gia các cuộc kiểm tra, hậu kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/tang-cuong-quan-ly-chat-luong-che-c790ed2/