Năm 2024, ngành Công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó, nhiều doanh nghiệp đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh.
Nỗ lực vượt khó, Công ty CP Phụ tùng máy số 1 đã hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. |
Giữ nhịp tăng trưởng ổn định
Với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và sự đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành, năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023 và đạt 97,6% kế hoạch năm.
Trong đó, nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp đạt và vượt so với kế hoạch, như: Hàng may mặc đạt 116 triệu sản phẩm, tăng 9,4% so với năm 2023 (đạt 100,9% kế hoạch năm); camera truyền hình đạt 136 triệu sản phẩm, tăng 41,7% (đạt 108,4%); điện thương phẩm đạt 6.549 triệu kWh, tăng 12,3% (đạt 109,2%)…
Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT là một những DN may lớn trên địa bàn tỉnh. Từ giữa năm 2024, Công ty đã đàm phán, ký kết được nhiều đơn hàng may xuất khẩu đến hết năm, thậm chí đến tháng 1-2025. Các đơn hàng đến từ nhiều thương hiệu lớn như: Costco, Walmart, Kohl’s, Tesco, Champion, CK, DKNY, Levi’s, Land’s End, C&A, A&F… Đây là điều kiện giúp đơn vị về đích sớm doanh thu trước 3 tháng so với kế hoạch, tương đương gần 500 tỷ đồng; tuyển thêm 400 lao động mới, nâng tổng số người lao động hiện có lên trên 2.300 người.
Giống như lĩnh vực may mặc, khối DN sản xuất phụ tùng vận tải cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể như Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công – đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ công nghiệp hỗ trợ trong nước và xuất khẩu, năm 2024, doanh thu của Công ty đạt 100% (tương đương trên 700 tỷ đồng), đóng góp 20 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và tạo việc làm ổn định cho trên 800 lao động, với thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/tháng.
Kết thúc năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên tăng 8% so với năm trước (đạt 1,03 triệu tỷ đồng). |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, để đạt được những kết quả nói trên, các DN đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để tăng sức cạnh tranh trên thị trường như: Mở rộng và tái cơ cấu thị trường xuất khẩu; tổ chức sản xuất hợp lý; hạ giá thành sản phẩm hoặc phát triển thêm dòng sản phẩm mới…
Dẫn chứng về giải pháp cơ cấu hóa sản phẩm có thể kể đến một số đơn vị tiêu biểu như: Tập đoàn Samsung; Công ty CP Phụ tùng máy số 1… Năm 2024, Samsung đã ra mắt thị trường dòng sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy Z Fold 6 và Z Flip 6. Trong đó, Samsung Galaxy Z Flip 6 được sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên thuộc Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu đi 128 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Còn với Công ty CP Phụ tùng máy số 1, ngoài sản xuất các dòng sản phẩm thế mạnh là phụ tùng xe gắn máy cho các hãng Honda, Yamaha, Atsumitec, SUMUMOTO, VMEP, PIAGGIO…, năm vừa qua, đơn vị đã mở rộng sản xuất phụ tùng cho xe ô tô, máy giặt, thiết bị nâng hạ. Điều này đã bù đắp tình trạng thiếu hụt đơn hàng phụ tùng xe máy do thị trường đang bão hòa, giúp doanh thu của Công ty đạt trên 900 tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch năm.
Thận trọng xây dựng chỉ tiêu năm 2025
Mặc dù đạt những kết quả nhất định song theo dự báo của các chuyên gia, bước sang năm 2025, ngành Công nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trên thị trường xuất khẩu, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ẩn chứa nhiều khó khăn và yếu tố rủi ro, nhất là căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang ở khu vực châu Âu và Trung Đông.
Nhiều thị trường trên thế giới dựng lên ngày càng nhiều hơn tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, môi trường… theo hướng phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng, từ đó tạo nên sức ép đối với các DN Việt Nam về khả năng đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác nhập khẩu.
Chính sách bảo hộ của các nước cũng ngày một tăng. Khó khăn trong nước là ảnh hưởng của lạm phát khiến sức tiêu dùng bị suy giảm, tình trạng giải ngân nguồn vốn đầu tư chậm, thị trường bất động sản phục hồi chậm…
Lãnh đạo TP. Sông Công thăm, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành giá trị sản xuất công nghiệp ở mức cao nhất. |
Trước bối cảnh này, nhiều DN đang tích cực theo dõi sát diễn biến của thị trường và thận trọng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025, nhất là với các ngành đang còn gặp nhiều khó khăn như sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng vận tải… Nhiều đơn vị thận trọng đề ra mục tiêu tăng trưởng chỉ từ 3-5% hoặc tương đương năm 2024.
Ông Đỗ Ngọc Huy, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều – VVMI, cho biết: Năm 2025, chúng tôi phấn đấu sản xuất và tiêu thụ khoảng 700 nghìn tấn xi măng (tương đương với mục tiêu năm 2024).
Còn đối với Công ty CP Phụ tùng máy số 1, ông Vũ Duy Hải, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Chúng tôi đề ra mục tiêu doanh thu chỉ tăng 1% so với năm 2024 (tương đương 918 tỷ đồng). Để hoàn thành mục tiêu này, Công ty tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu cho các dòng sản phẩm mới…
Theo Sở Công Thương, năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu giá trị SXCN tăng 10% so với năm 2024 (tương đương hơn 1,1 triệu tỷ đồng). Cùng với sự nỗ lực của DN, để hoàn thành mục tiêu này, các sở, ban, ngành và cấp chính quyền địa phương trong tỉnh sẽ tập trung triển khai giải pháp để hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tăng cường mời gọi, thu hút các dự án đầu tư. Cùng với đó là tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, Chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021-2025; nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/san-xuat-cong-nghiep-no-luc-vuot-kho-hoan-thanh-muc-tieu-18b19cc/