Nhiều năm nay, phong trào trồng cây gây rừng luôn được Thái Nguyên quan tâm. Không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, trồng rừng còn nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, Thái Nguyên đã sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới.
Năm 2024, Thái Nguyên đã trồng rừng hoàn thành vượt mức kế hoạch. Hiện nay, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã sẵn sàng bước vào vụ trồng rừng mới. |
P.V: Ông đánh giá như thế nào về kết quả trồng rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh?
Ông Lê Cẩm Long: Chỉ tiêu trồng rừng vượt kế hoạch 28% là kết quả mà Thái Nguyên đã đạt được trong năm 2024. Theo đó, toàn tỉnh trồng được hơn 4.370ha rừng, trong đó có trên 149ha rừng phòng hộ; phần còn lại là rừng sản xuất. Trong số diện tích rừng trồng của năm 2024, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện trồng rừng thay thế hơn 116ha. Hiện cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị còn trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn được trên 10.200ha. Luỹ kế đến nay, Thái Nguyên có gần 15.900ha rừng gỗ lớn, đạt 284% kế hoạch. Riêng với diện tích trồng quế, hết năm 2024, toàn tỉnh đã trồng được gần 590ha tại các huyện Định Hóa và Võ Nhai. Hiện, toàn tỉnh có xấp xỉ 5.290ha quế, đạt 81% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Đáng nói, thông qua việc triển khai “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ – Xuân Giáp Thìn năm 2024” gắn với thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên đã trồng được hơn 1,4 triệu cây phân tán, vượt gần 22% kế hoạch.
Nhờ đó, từ đầu năm 2024, Thái Nguyên đã hoàn thành và vượt kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện, toàn tỉnh đã trồng được hơn 12 triệu cây, vượt 74,11% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ số cây xanh đã trồng được cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu, hình ảnh cây xanh lên phần mềm ThaiNguyen Smarttress.
P.V: Kết thúc năm 2024 nhiều thắng lợi, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh phải làm gì để chuẩn bị sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới, thưa ông?
Ông Lê Cẩm Long: Để chuẩn bị cho trồng rừng vụ xuân 2025 và cả năm, ngay từ những tháng cuối năm 2024, kiểm lâm viên địa bàn đã phối hợp với chính quyền các địa phương có rừng tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch rừng đến đâu thu dọn, vệ sinh, xử lý thực bì đến đó. Trong đó tập trung hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn sâu bệnh hại tồn lưu trong đất, tàn dư trong rừng lan truyền gây hại cho cây non.
Bên cạnh đó, để không xảy ra cháy rừng trong quá trình xử lý thực bì, chúng tôi yêu cầu lực lượng Kiểm lâm viên ở cơ sở tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về pháp luật phòng, cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, phát huy trách nhiệm kiểm tra của chính quyền địa phương, chủ rừng, đơn vị hoạt động ven rừng đảm bảo an toàn về phòng, cháy chữa cháy rừng.
Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc xử lý thực bì khi hoạt động sản xuất lâm nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nếu có cháy xảy ra để không cháy lan, cháy lớn, hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng của người dân cũng như không ảnh hưởng đến công tác trồng rừng của năm 2025.
P.V: Từ những chia sẻ của ông có thể thấy, công tác trồng rừng của năm 2024 đạt kết quả rất khả quan. Như vậy, vụ trồng rừng của năm mới 2025 sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Cẩm Long: Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng 3.500ha rừng tập trung. Nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trồng theo các vụ: Xuân, Hè, Thu…
Riêng trong vụ Xuân, để huy động mọi tổ chức, cá nhân, người dân cùng vào cuộc, chúng tôi đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025. Không chỉ là nét đẹp truyền thống, thông qua phát động Tết trồng cây, các địa phương, đơn vị, cá nhân từ tỉnh đến huyện, xã… tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của trồng cây, trồng rừng.
Cùng với đó, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, nâng cao chất lượng môi trường; đảm bảo tiêu chí cây xanh trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ trồng trên 1,1 triệu cây phân tán trong dịp phát động Tết trồng cây năm nay.
Hiện tại, toàn bộ số cây giống phục vụ trồng cây phân tán và trồng rừng vụ xuân trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn bị đủ cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, hộ dân trên trong tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/san-sang-cho-vu-trong-rung-moi-b101eeb/