Bà Đỗ Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Trong những năm qua, để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đúng với nhu cầu của người dân, các ngành nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương và với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội cũng như quy hoạch xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Lương đã ban hành các văn bản hướng dẫn khảo sát dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn.
Bình quân mỗi năm, Huyện có trên 2.000 lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề, ưu tiên lao động ở khu vực nông thôn, đồng bào DTTS và những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Riêng từ đầu năm đến nay, Huyện đã đào tạo nghề cho gần 600 người, trong đó có trên 70% là người đồng bào DTTS, người nghèo.
Một số nghề được người lao động thường xuyên lựa chọn, như: Kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn; thú y; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng chè; trồng rau an toàn; sửa chữa điện dân dụng; tin học ứng dụng… Về hình thức đào tạo nghề cũng được đa dạng hóa, từ tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến đào tạo lưu động tại các xóm, xã. Nhờ công tác đào tạo nghề được triển khai tích cực, mỗi năm, huyện Phú Lương giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Cũng theo bà Đỗ Thanh Bình, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm, tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.
Trước đây, gia đình bà Tống Thị Uyên, người dân tộc Tày (ở xóm Xuân Trường, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo của xã. Thu nhập chủ yếu từ làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, dù chăm chỉ nhưng do thiếu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, lại không có hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế nên thu nhập hàng năm chỉ đạt 10 đến 15 triệu đồng.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là xã Ôn Lương, bà Uyên đã được tham gia lớp đào tạo nghề “Nuôi và phòng trị bệnh cho gà”. Bà Tống Thị Uyên, chia sẻ: Quá trình tham gia lớp học, tôi đã được cán bộ khuyến nông của xã cùng giáo viên tập huấn, hướng dẫn quy trình xây dựng và vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phòng trị một số bệnh thường gặp ở gà… từ những kiến thức và kinh nghiệm được cán bộ, giáo viên chia sẻ, hướng dẫn thực hành trong quá trình học đã giúp việc chăn nuôi của gia đình bà có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt khi thời tiết thay đổi, dễ phát sinh mầm bệnh trên vật nuôi, bà đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học để chủ động phòng, trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.
Sau khi tham gia lớp học bổ ích này, tôi bắt đầu áp dụng các kiến thức đã học vào trong sản xuất. Khó ở đâu tôi lại hỏi cán bộ Xã, nhờ đó đến nay, đàn gà của gia đình đều khoẻ mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, cứ đà này lứa gà này xuất chuồng, tôi sẽ đầu tư thêm lứa gà mới để có thêm thu nhập.
Tương tự như bà Tống Thị Uyên, bà Ma Thị Tuyến (trú tại xóm Cây Thị, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cũng là một trong những học viên tích cực của lớp đào tạo nghề “Nuôi và phòng trị bệnh cho gà”. Bà Tuyến, chia sẻ: Tại lớp học nghề, tôi đã học được nhiều kiến thức bổ ích trong chăn nuôi gia cầm. Nhờ vận dụng kiến thức linh hoạt vào thực tế, cuối tháng 4/ 2024, gia đình tôi đã xuất bán đàn gà 500 con và đang chuẩn bị nuôi thêm lứa gà tiếp theo.
Cũng theo bà Tuyến, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, phối hợp mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, nhờ đó, tôi đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Chị Phan Thị Mai Thương, Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là giảng viên lớp đào tạo nghề “Nuôi và phòng trị bệnh cho gà”, chia sẻ: Việc khai giảng các lớp đào tạo nghề cho người dân lao động vùng nông thôn, miền núi giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ năng tích cực, chủ động trong sản xuất đạt hiệu quả là rất cần thiết.
Lớp đào tạo nghề do chị làm giảng viên có 35 học viên đều là lao động người dân tộc thiểu số. Lớp đào tạo trong 3 tháng và 80% là thời gian cho học viên thực hành. Ngoài trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình nuôi, phòng và trị bệnh cho gà và ấp trứng gà, học viên được thực hành tại các mô hình của lớp học và của gia đình về kỹ thuật làm chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, quy trình vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà, nhận biết và chữa trị một số bệnh thường gặp trên đàn gà…
Như vậy, việc đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho bà con vùng DTTS và miền núi đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của bà con về học nghề. Hình thức đào tạo nghề luôn được thực hiện theo phương thức đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu học tập và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Qua đó, đã giúp người lao động nông thôn từng bước nâng cao trình độ, tạo điều kiện tốt để tiếp cận các mô hình, đề án phát triển sản xuất.
Sau khi học xong, nhiều học viên tham gia vào các tổ sản xuất, như: Tổ sản xuất mây tre đan, sản xuất nón lá; một số học viên tự mở nhà hàng, quán ăn phục vụ khác du lịch và người dân địa phương…
Năm 2024, huyện Phú Lương tiếp tục tập trung các nguồn lực, trong đó triển khai giải ngân và hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, trên cơ sở lồng ghép các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề đã và đang triển khai. Toàn Huyện phấn đấu trong năm giảm thêm từ 400-500 hộ nghèo và cận nghèo, đồng thời duy trì hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống người dân, chống tái nghèo và tạo sinh kế bền vững.
Hơn 30 nghìn lao động ở huyện vùng cao Bát Xát được đào tạo nghề