Qua gần 3 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Phú Lương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xuyên suốt cho cả 5 năm. Kết quả, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội cơ bản được thực hiện đạt và vượt kế hoạch; từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển huyện nông thôn mới (NTM) Phú Lương.
Lãnh đạo huyện Phú Lương khảo sát vùng sản xuất lúa nếp Vải tập trung tại xã Ôn Lương. Ảnh: T.L |
Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quốc Hữu: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Lương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định mục tiêu “phấn đấu xây dựng huyện phát triển, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó lấy nông nghiệp là nền tảng”. Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ huyện đã ban hành 8 chương trình, kế hoạch, 9 đề án trên các lĩnh vực. Trên cơ sở kế hoạch của huyện, cấp ủy các địa phương, đơn vị, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao về ý chí và hành động…
Trên cơ sở lấy nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển kinh tế, nửa nhiệm kỳ qua, huyện Phú Lương đã chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp trên địa bàn tăng bình quân 3,77%/năm (lĩnh vực trồng trọt tăng 1,06%; chăn nuôi tăng 5,26%; dịch vụ tăng 7,4%).
Trong đó, nổi bật là Đề án nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Đề án, Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trồng, sản xuất, chế biến chè, nông sản theo hướng an toàn, chất lượng cao.
Đến nay, tổng diện tích chè của toàn huyện đạt trên 4.136ha (tăng 46ha so với năm 2019). Trong đó, diện tích chè VietGAP, hữu cơ là trên 3.000ha; diện tích được cấp chứng nhận mới, chứng nhận lại theo tiêu chuẩn VietGAP luỹ kế đến năm 2023 đạt trên 1.127ha (vượt mục tiêu của Đề án 437ha).
Huyện Phú Lương hiện có 111 sản phẩm được dán tem QR-Code (vượt 101 sản phẩm so với kế hoạch); 16 sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP 3 sao (trong đó có 12 sản phẩm chè). Sản lượng chè toàn huyện đạt bình quân trên 45.200 tấn/năm (vượt 600 tấn so với chỉ tiêu Nghị quyết), giá trị sản xuất chè ước đạt trên 1.265 tỷ đồng, doanh thu bình quân 310-330 triệu đồng/ha/năm (đạt kế hoạch đề ra).
Hiện nay, sản lượng chè của huyện Phú Lương đạt bình quân trên 45.200 tấn/năm (vượt 600 tấn so với chỉ tiêu Nghị quyết). |
Cùng với cây chè, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, huyện Phú Lương trồng được trên 638ha rừng (vượt trên 138ha so với chỉ tiêu Nghị quyết); giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 6,48%/năm; sản lượng gỗ khai thác trung bình đạt 42.651m3/năm.
Đặc biệt, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Phú Lương đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM. Tính đến nay, toàn huyện có 12/13 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 26/194 xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 xóm NTM thông minh. Phú Lương đạt 2/9 tiêu chí huyện NTM, với 26/31 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021-2025.
Hơn 2 năm qua, Đảng bộ huyện cũng chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Điều này thể hiện ở kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công năm 2021 và 2022 của huyện đều xếp thứ nhất và thứ hai trong số 9 huyện, thành phố.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện Phú Lương cũng không ngừng được quan tâm đầu tư. Điểm nhấn là hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới, kết nối các vùng trong huyện.
Người dân mua hàng tại siêu thị C-mart, thị trấn Đu (Phú Lương). |
Cùng với những thành tựu về kinh tế, nửa nhiệm kỳ qua, lĩnh vực văn hóa – xã hội của huyện Phú Lương cũng có chuyển biến tích cực, với nhiều gam màu nổi bật. Quốc phòng – an ninh được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, hiện nay toàn huyện còn 1.053 hộ nghèo (giảm 1.023 hộ so với đầu nhiềm kỳ), chiếm 3,83% trong tổng số hộ; hộ cận nghèo là 999 hộ (giảm 223 hộ), bằng 3,63%.
Công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ được tăng cường; chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được nâng lên. Hàng năm, Phú Lương có 96,3% các tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (vượt 16,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết); số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 93,5% (vượt 13,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết); kết nạp 460 đảng viên mới, tỷ lệ kết nạp Đảng bình quân hàng năm đạt 2,64% trở lên so với tổng số đảng viên đầu nhiệm kỳ (chỉ tiêu Nghị quyết là 2,5%)…
Những thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chính là nền tảng vững chắc để Đảng bộ huyện Phú Lương phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra trong nửa chặng đường còn lại.
Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ huyện Phú Lương:
– Xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2024.
– Xây dựng thị trấn Đu đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025.
– Phấn đấu đến năm 2025, 100% các xã có sản phẩm OCOP hoặc tham gia vào chu trình OCOP.
– Đến hết nhiệm kỳ có ít nhất 1 cụm công nghiệp, 1 siêu thị, 1 trung tâm thương mại đi vào hoạt động.
– Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hàng năm đạt 3% trở lên so với tổng số đảng viên đầu nhiệm kỳ…
|