Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) do phụ nữ làm chủ. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, họ đã vươn lên làm giàu chính đáng và góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương vươn xa. Chị Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1985, Giám đốc HTX Thái Minh, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), là một điển hình.
Giá bán sản phẩm của HTX Thái Minh dao động từ 250 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/kg. |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, từ bé chị Vân đã gắn bó với cây chè. Khi lập gia đình, chị vừa sản xuất gần 1ha chè, vừa xin vào làm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Thái Minh (chuyên phát triển thị trường cho các sản phẩm trà Thái Nguyên), có trụ sở tại TP. Thái Nguyên. Trong quá trình làm việc tại Công ty, được đi nhiều nơi và quen biết nhiều khách hàng có tiềm năng, năm 2020 chị Vân đứng ra thành lập HTX Thái Minh với 8 thành viên, tổng diện tích vùng nguyên liệu chè là 45ha (gồm 5ha của thành viên HTX và 40ha liên kết với các hộ dân trong xã).
Khi mới thành lập, HTX Thái Minh gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn nguyện liệu đầu vào chưa đảm bảo chất lượng. Bởi các hộ dân liên kết vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Hạn chế về vốn cũng gây khó trong quá trình duy trì hoạt động HTX.
Chị Vân chia sẻ: Để từng bước tháo gỡ khó khăn, tôi tích cực tham gia các hội thảo, lớp tập huấn ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất chè do địa phương và ngành chức năng tổ chức, rồi tự tổ chức tập huấn và hướng dẫn lại cho các hộ trồng chè liên kết. Về nguồn vốn, HTX đã được tạo điều kiện vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh; được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng của ngành Nông nghiệp để đầu tư phân bón, vật tư đầu vào, máy móc, thiết bị và bao bì… phục vụ cho việc sản xuất chè.
Từ các nguồn hỗ trợ kịp thời, cùng sự cần cù, chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm, chị Vân đã đưa HTX Thái Minh ngày càng phát triển. Hiện trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất, chế biến từ 0,5-1 tấn chè tươi, với các sản phẩm trà: móc câu, tôm nõn, ướp hoa mộc, ướp hoa nhài, ướp hoa sói, matcha… trong đó có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao và 3 sao.
Sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn: Go, BRG, VinMart và 20 đại lý lớn ở các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, HTX còn bán hàng trên các sàn điện tử, trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Doanh thu trung bình hằng năm đạt từ 5 tỷ đồng trở lên.
0,7ha chè của gia đình chị Nguyễn Hồng Nguyệt (bên phải), ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), đã được cấp chứng nhận VietGAP. |
HTX hoạt động có hiệu quả đã tạo được niềm tin đối với các thành viên cũng như người trồng chè khi liên kết. Chị Nguyễn Hồng Nguyệt ở xóm Phả Lý cho hay: Gia đình tôi hiện có 0,7ha chè lai F1. Trước kia giá chè rất bấp bênh, có thời điểm chỉ còn 16 nghìn đồng/kg búp tươi. Từ khi tham gia HTX năm 2021 đến nay, giá chè lúc thấp nhất cũng được 25 nghìn đồng/kg búp tươi, còn thời điểm những tháng cuối năm có thể lên đến 50-60 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Với vai trò là Giám đốc HTX HTX Thái Minh, chị Vân đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất chè của người dân, hướng đến sản xuất chè an toàn. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã có 175/1.000ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Vân cũng đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho cây chè Văn Hán.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Vân cho biết: HTX tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, máy móc để sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời sẽ chỉnh trang các đồi chè, mở rộng lối đi, trồng hoa, cây cảnh… để khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, từng bước thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần tạo thêm sinh kế cho người trồng chè.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/nu-giam-doc-hop-tac-xa-nang-dong-lam-kinh-te-gioi-e5a0040/