Mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhưng ở nhiều xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn những xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do đó, thời gian qua, những xã vùng khó đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các xóm này thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Để nâng cao thu nhập, nhiều hộ dân ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả. |
Theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn 142 xóm ở 37 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong số đó có nhiều xóm thuộc 16 xã đã đạt chuẩn NTM.
Nhằm xóa dần khoảng cách, giảm sự chênh lệch về tiêu chí thu nhập, đời sống nhân dân giữa các xóm trong cùng một xã, các địa phương đã và đang nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xóm đặc biệt khó khăn.
Đơn cử như tại Tràng Xá (Võ Nhai), năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Mặc dù vậy, đến nay, trong số 18 xóm trên địa bàn vẫn còn 5 xóm (gồm: Thắng Lợi, Hợp Nhất, Chòi Hồng, Đồng Bài, Là Bo) thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Triệu Tiến Văn, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá, cho biết: Mặc dù cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xóm trên so với những xóm khác không có sự chênh lệch đáng kể, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lại cao hơn nhiều. Để giúp xóm đặc biệt khó khăn vươn lên, các hội, đoàn thể của xã và 5 xóm đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn đưa các mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình; vận động người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…
Ông Trương Văn Thông, Trưởng xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá, chia sẻ: Xóm hiện có 203 hộ, với trên 1.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 100%. Nếu như trước đây, kinh tế của người dân trong xóm chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô, thì hiện nay, bà con đã có nhiều nguồn thu nhập hơn từ việc trồng rừng keo, bạch đàn; đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy; lao động thời vụ tại các xưởng chế biến lâm sản… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xóm từ trên 60% năm 2016, xuống còn trên 35% vào đầu năm 2023.
Tương tự Tràng Xá, năm 2020, xã Bàn Đạt (Phú Bình) được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 3 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn, gồm: Đồng Quan, Đá Bạc, Cầu Mành.
Ông Nguyễn Khắc Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt, thông tin: Căn cứ các tiêu chí đánh giá xóm đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, xã đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường từ 3 xóm đến trung tâm xã. Đến nay, các tuyến đường trục chính của 3 xóm đã được bê tông hóa hoàn toàn. Còn về tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo, bên cạnh hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chắc chắn cần sự nỗ lực từ phía bà con và cần quá trình từ 1 đến 2 năm nữa.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đầu tư mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng của Nhà nước, quá trình đổi mới tư duy về phát triển kinh tế của các hộ dân đã và đang góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa các xóm đặc biệt khó khăn với các xóm khác trong cùng một xã. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế phát triển lâu dài cho người dân. Có như vậy mới thật sự cải thiện được chất lượng NTM tại các vùng đặc biệt khó khăn.
Thôn, xóm đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 1 trong 2 tiêu chí sau:
– Tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên.
– Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% và có một trong các tiêu chí sau: Có hơn 60% tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của thôn; chưa có đường từ thôn đến trung tâm xã hoặc có đường nhưng đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa; chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng trên 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
|