Vào những ngày tháng Tám, trên cánh đồng quê tôi, lúa đã lên xanh ngăn ngắt trải rộng. Những cơn mưa cũng bắt đầu trút xuống, làm cho lúa càng xanh hơn, các ruộng lúa ngập nước.
Thời điểm này cũng là lúc lũ trẻ quê tôi vào mùa đi bắt cá rô đồng. Cá rô đồng thịt dày thơm ngon, chế biến được thành nhiều món ăn dân dã.
Trời mưa, các ruộng lúa đầy ăm ắp nước, chảy từ ruộng này sang ruộng kia, cũng là lúc lũ cá rô đồng bơi theo dòng nước chảy để kiếm ăn. Bọn trẻ chúng tôi được người lớn dạy cho cách làm hố bẫy cá. Chọn nơi có dòng nước chảy qua, khoét một cái hố sâu chừng hai hoặc ba gang tay, rộng cũng chừng hai hoặc ba gang tay, bờ hố phải thật trơn, nhẵn thín để cá dễ trượt vào hố bẫy, miệng hố khoét hàm ếch để khi cá rơi xuống không thể lách lên được.
Mỗi đứa trẻ chúng tôi thường làm từ năm đến mười hố bẫy, chiều tối hôm trước làm, sáng hôm sau ra hố thu hoạch cá. Mỗi tối cũng thu được vài cân.
Ngoài hố bẫy cá, mỗi đứa trẻ ở quê đều được cha, hay các chú, bác đan cho vài cái lờ rô bằng tre, hình tròn, dài gần 1 mét, phía miệng có hom dẫn để cá rô vào ăn thức ăn (thức ăn là thóc ngâm lên mầm).
Chúng tôi cứ chọn những ruộng có nhiều nước, khả năng có nhiều cá thì đặt lờ. Khi đặt lờ khoét sạch bùn một khoảng rộng, cho mồi thóc mầm xuống và cắm lờ lên trên. Lũ cá rô thấy mùi thơm của thóc mầm, chui xuống ăn, ăn no chúng ngoi lên và mắc vào hom của lờ. Sáng đặt chiều đổ lờ, hoặc chiều đặt sáng sớm hôm sau đổ lờ, mỗi ngày cũng thu được vài cân cá rô tươi roi rói…
Bây giờ, cá rô ở ngoài cánh đồng không còn, nhưng mỗi lần đi qua những cánh đồng lúa lên xanh, mưa về đầy ắp nước, tôi như thấy từng đàn cá rô đồng tung tăng trên ruộng và lại nhớ về những mùa săn bắt cá rô đồng của lũ trẻ ngày xưa.