Khi người dân nô nức chuẩn bị đón Tết độc lập và lên kế hoạch cho chuỗi ngày nghỉ dài thì trên 5.000 “chiến sĩ áo trắng” tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh cũng “kín” lịch cho công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa bệnh cứu người. Hầu như dịp nghỉ lễ, Tết nào cũng vậy, số người nhập viện gia tăng. Những ngày nghỉ cũng là dịp người lao động tranh thủ kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, hay thậm chí là các ca cấp cứu luôn có chiều hướng gia tăng. Công việc áp lực và vất vả là vậy, nhưng với tấm lòng y đức, các y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn luôn mang trong mình sự đồng cảm và sẻ chia với người bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi ở xã Tân Quang (TP. Sông Công). |
Như thể thương thân
Còn nhớ hơn nửa năm trước, khi đi tìm hiểu thực tế về tình trạng tai nạn pháo nổ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chúng tôi vô cùng cảm động trước sự quan tâm, gần gũi của các y, bác sĩ với bệnh nhân. Trong cơn đau bởi những vết thương chằng chịt trên cơ thể, các bệnh nhân còn rất trẻ (khoảng 12 đến 15 tuổi) kêu khóc, giãy dụa. Dù vậy, các bác sĩ, điều dưỡng vẫn nhẹ nhàng thăm khám, xử lý vết thương và an ủi các em.
Bác sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng Khoa Chấn thương – Chỉnh hình cho biết: Bệnh nhân và người nhà tìm đến đây trong sự lo lắng và đau đớn tột cùng. Bởi vậy, chúng tôi không chỉ chữa lành vết thương trên cơ thể họ mà còn có trách nhiệm xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị và có nhận thức đúng đắn về sự nguy hiểm của pháo nổ để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống, bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh.
Vị tha và đồng cảm với nỗi đau của người bệnh không chỉ thường trực trong suy nghĩ của bác sĩ Dung mà là quan điểm chung của các thầy thuốc ở Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Với họ, vất vả của người thầy thuốc có là gì so với những đớn đau của người bệnh. Bởi lẽ ấy, những thầy thuốc nơi mảnh đất Thái Nguyên luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3/1948). Bên cạnh tài năng còn có sự đòi hỏi khắt khe về đạo đức hành nghề y, về sự hy sinh quên mình cho cộng đồng, có lý tưởng và tình yêu nghề nghiệp bền bỉ.
Minh chứng sống động nhất cho sự nỗ lực của các “lương y như từ mẫu” ở Thái Nguyên là trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tuyến tỉnh, huyện, xã đã KCB cho trên 575.000 lượt người, trong đó có hơn 98.000 lượt bệnh nhân nội trú. Hầu hết người bệnh đều hài lòng về thái độ phục vụ của các thầy thuốc.
Bà Vũ Thị Lý, ở phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên) cho biết: Cháu ngoại tôi mới được 6 tháng tuổi đã bị viêm phổi rất nặng. Trong suốt thời gian điều trị tại Bệnh viện A Thái Nguyên, không chỉ chữa trị cho cháu, các y, bác sĩ còn luôn động viên tinh thần gia đình. Nhờ đó, chúng tôi đã vững tin, cùng chăm sóc để cháu nhanh chóng hồi phục. Sau 10 ngày điều trị, cháu đã được xuất viện, sức khỏe ổn định. Gia đình tôi rất biết ơn tình cảm của những thầy thuốc luôn hết lòng vì người bệnh.
Sẻ chia cùng người bệnh
Không chỉ cứu chữa người bệnh, động viên về mặt tinh thần, nhiều thầy thuốc ở Thái Nguyên còn hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cả về vật chất.
Bằng tình cảm yêu thương với con trẻ, các y, bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tặng quà bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6). |
Bác sĩ Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) chia sẻ: Trong hơn 20 năm theo nghề, tôi đã gặp không ít trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có người nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng bản thân họ lâm vào cảnh “0 đồng”. Tôi nhớ nhất một trường hợp bệnh nhân người dân tộc Mông ở huyện Võ Nhai vào điều trị tại khoa cách đây gần 10 năm. Khi ấy, bệnh nhân bị viêm màng não rất nặng, nhập viện trong tình trạng hôn mê. Lúc mới nhập viện, người nhà bệnh nhân không có tiền, phải nhịn đói cả ngày. Biết gia cảnh của bệnh nhân khó khăn, các y, bác sĩ của khoa rất thương cảm nên thường mua đồ ăn cho người nhà bệnh nhân. Khi bệnh nhân tỉnh, các y, bác sĩ còn mua sữa, cháo dinh dưỡng tặng bệnh nhân…
Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, để sẻ chia với cộng đồng, các thầy thuốc ở Thái Nguyên còn đóng góp kinh phí, tham gia các buổi KCB, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động KCB miễn phí của các thầy thuốc, mỗi năm, hàng nghìn người dân Thái Nguyên được kiểm tra sức khỏe tổng quát, siêu âm… Qua đó phát hiện, điều trị kịp thời các loại bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: KCB miễn phí cho người dân là hoạt động thường niên của chúng tôi. Qua đây, chúng tôi mong muốn lan tỏa những tấm lòng y đức đến với cộng đồng, để những việc làm có ý nghĩa vì sức khỏe nhân dân tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Giữa dòng đời đầy biến động hôm nay, trong thời buổi kinh tế thị trường, những người thầy thuốc ở Thái Nguyên vẫn luôn miệt mài thực hiện sứ mệnh chữa bệnh cứu người. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, bằng tấm lòng y đức “vừa hồng, vừa chuyên”, các “chiến sĩ áo trắng” đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa vì sức khỏe cộng đồng, được nhân dân tin tưởng, yêu quý…