Những năm tháng khoác áo lính tham gia chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng năm 1979 đã rèn giũa, bồi đắp cho tác giả Phan Thái vốn sống đầy ắp những chiêm nghiệm. Bởi vậy, không lạ khi người đọc cảm nhận được khí chất người lính thấm đẫm qua từng dòng thơ, câu văn trong sáng tác của ông.
|
Năm 1978, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai Phan Thái lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 677, Sư đoàn 346, đóng quân ở huyện Ngân Sơn (Cao Bằng).
Sau thời gian huấn luyện, anh cùng đơn vị hành quân lên huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), với nhiệm vụ chủ yếu là chiến sĩ liên lạc truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy tới các vị trí chiến đấu.
Kết thúc chiến tranh, anh được phân công làm nhân viên Ban Chính trị của Trung đoàn 677 cho đến tháng 6-1982 thì ra quân. Thời gian này, anh thi đỗ Đại học Mỏ địa chất, rồi sau đó về làm kỹ sư mỏ địa chất tại Mỏ than Phấn Mễ.
Vốn có năng khiếu viết văn, làm thơ từ nhỏ, nhưng phải sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc trở về, Phan Thái mới thực sự đi vào sự nghiệp sáng tác văn học và bước đầu đạt được những thành tựu nhất định.
Những ký ức không quên về những ngày tháng đóng quân chiến đấu trên điểm cao vùng biên cương Cao Bằng ấy đã được tác giả Phan Thái đưa vào thơ của mình:
|
||
Về đất nước, một chủ đề rộng lớn làm người đọc luôn nghĩ đến các hình ảnh lớn lao, tác giả Phan Thái lại tìm thấy hình hài đất nước ngay trong phong tục, văn hóa gần gũi làng quê, qua những vần thơ giản dị mà sâu sắc: “Miếng trầu cay đã mang hình chim lạc/ Câu mẹ ru hồn như núi như sông”.
Miếng trầu chứa sự tích, lịch sử, văn hóa và chứa cả nghĩa tình: “Cau sáu bổ ba, lá lành đùm lá rách/ Đất nước mình huyền thoại cả ngàn năm” (Đất nước miếng trầu cay). Tình yêu ấy bình dị và gần gũi với mọi người: “Ôi Tổ quốc mỗi người như hạt thóc/ Năm nắng, mười mưa thơm thảo mùa màng”. Lại có sự ví von hình ảnh đất nước thật bất ngờ, đầy cảm xúc, linh thiêng, khiến người đọc thích thú:
Ngoài chủ đề về mẹ, làng quê, đất nước, trong thơ Phan Thái luôn là những đau đáu, khắc khoải về sự hy sinh, nỗi đau của người lính, người mẹ, người vợ lính ở thời hậu chiến. Từ bài thơ đầu tiên được đăng năm 1982 trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cho đến nay ông đã sáng tác, xuất bản 3 tập thơ, gồm: “Quẩy nắng vào đêm”, “Về sông xưa”, “Hoa nắng ngày xưa”.
Những năm gần đây, Phan Thái dành nhiều thời gian viết văn xuôi hơn và thành công ở hầu hết các thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết và cả viết kịch bản phim.
Chỉ khoảng mươi năm gần đây, ông xuất bản hơn chục đầu sách, cùng nhiều bài bút ký, phóng sự, tản văn. Ông cũng là cây bút hiếm ở Thái Nguyên dám “xông xáo” viết về những đề tài khó như về công nghiệp, công nhân, lịch sử và có nhiều tác phẩm dày dặn, công phu.
Sinh hoạt trong Chi hội Văn xuôi (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) cùng nhà văn Phan Thái, tôi luôn cảm nhận ông là một người có tình yêu lịch sử, yêu quê hương đất nước mãnh liệt. Vốn nặng lòng với văn hóa, với lịch sử hào hùng của quê hương, của dân tộc, ông luôn đam mê đọc các kiến thức lịch sử, cất công đi thực tế nhiều nơi và chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây đã cho ra đời nhiều tập tiểu thuyết, bút ký, phóng sự về chủ đề này.
Có thể điểm danh các tiểu thuyết lịch sử của ông như: “Linh Sơn tử chiến” được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 2017 là câu chuyện kể về những người thủ lĩnh dân tộc thiểu số đã chỉ huy nhân dân và binh sĩ tham gia cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược năm 1072.
Trong đó, trận chiến Linh Sơn diễn ra bên sông Cầu, đoạn chảy qua địa phận Thái Nguyên, là trận đánh ngăn chặn quân Tống theo hướng Quảng Nguyên, Cao Bằng tràn xuống.
Còn “Nắng phía sau mặt trời” là tiểu thuyết viết về Đại đội Thanh niên xung phong 915, thuộc Đội 91 Bắc Thái huyền thoại. Tiếp nối thành công, ông viết và xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết lịch sử là “Thanh gươm và cây tính tẩu” kể về các chiến binh Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược; “Bình minh máu” kể về cuộc nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật ngày 30/4/1945 – chiến thắng mở đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại tỉnh Thái Nguyên; ”Thái Nguyên hiệu Quân sứ” viết về Đại thi hào Nguyễn Du thời trai trẻ khi ông được bổ làm Chánh thủ hiệu quân kiêm quyền Trấn thủ Thái Nguyên.
Gần đây nhất, Phan Thái xuất bản cuốn “Nghe núi hát lời thổ cẩm”, do Nhà Xuất bản Lao động ấn hành với hơn 50 bài ký, tản văn viết về lịch sử văn hóa Thái Nguyên. Trong cuốn sách này, ta bắt gặp một Phan Thái đam mê với nghề viết, nghiêm túc tìm tòi về lịch sử cội nguồn dân tộc, địa phương, về những nét đẹp văn hóa dân tộc của tỉnh nhà, có những trang viết thành công với nhiều thông tin quý về đất và người Thái Nguyên từ xưa đến nay.
Cuốn sách cũng dày dặn những tư liệu về các thế hệ người con Thái Nguyên đã tham gia dựng nước, giữ nước và xây dựng quê hương giàu đẹp, từ những anh hùng dân tộc đến những người công nhân Mỏ than Phấn Mễ, Gang thép Thái Nguyên và cả bao nông dân mộc mạc, chất phác.
Độc giả cũng được “du lịch” qua từng trang sách khi tới thăm các miền quê mang nét đẹp lịch sử, văn hóa, với nhiều phong tục, tập quán độc đáo của các dân tộc.
Nói về dự định thời gian tới, tác giả Phan Thái tâm sự: Tôi sẽ tập trung sáng tác tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng, cũng vẫn dành thời gian đi thực tế các vùng miền để có thêm nhiều sáng tác về đất và người Thái Nguyên…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202411/nha-van-mang-ao-linh-nang-long-voithai-nguyen-5b41c2f/