Khi tôi sinh ra thành phố Thép đã có rồi, và giờ đây khi mảnh đất này ở tuổi 62 vững chãi thì tôi cũng bước vào tuổi ngoại tứ tuần. Đi qua gần nửa đời người, đôi khi chúng tôi vẫn ngồi lại với nhau để cùng ngẫm ngợi về hai chữ Thái Nguyên và chợt thấy tự hào vì địa danh Thái nguyên đã có từ thời các Vua Hùng dựng nước.
Thành phố nằm bên sông. Ảnh: Khắc Thiện |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất Thái Nguyên vẫn trường tồn cùng năm tháng và con người Thái nguyên vẫn nồng hậu, chân tình, mộc mạc như xưa. Trong ký ức tuổi thơ tôi điều lạ lùng mãi sau này tôi mới lý giải được là giữa lòng thành phố có một quả đồi mang tên đồi A1.
Đồi A1 nằm sau Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên bây giờ, từ trục đường Hoàng Văn Thụ đi qua con đường đất dốc gập nghềnh dọc theo Nhà tang lễ bệnh viện rồi rẽ trái đi thêm một đoạn nữa mới vào được, bởi thế khu vực ấy thường được gọi nôm na là “khu nhà xác”.
Có lẽ vì cái tên quá đỗi ấn tượng mà những ai đã sống trên đồi A1 xưa và khu dân cư quanh đó đều không thể quên. Đồi A1 là nơi có rất nhiều dãy nhà tập thể dành cho cán bộ, công nhân viên làm việc trong Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ở. Gần trăm hộ dân ở trong những dãy nhà tập thể bám theo độ dốc từ chân đến đỉnh đồi.
Gia đình tôi không có ai làm tại bệnh viện, nhưng bố mẹ mua đất ở khu dân cư chân đồi nên tôi trở thành dân cư đồi A1 và tuổi thơ gắn bó với những con người sinh sống trên quả đồi đó. Trong ký ức của tôi cả khu đồi A1 ngày đó chỉ có hai vòi nước máy và một dãy nhà tắm công cộng liền kề phục vụ gần trăm hộ dân.
Bởi thế chiều nào đi học về tôi cũng bắt gặp cảnh tượng người lớn, trẻ con vòng trong vòng ngoài quây lấy hai vòi nước máy, giặt giũ, rửa rau, chuyện trò và cả cãi nhau om tỏi cả một góc đồi. Nhà có giếng nhưng tôi thường trốn mẹ ra vòi nước công cộng để được tắm giặt và chơi với lũ trẻ con trên đồi. Những lúc như thế bọn trẻ con trên đồi thường vênh mặt lên bắt chúng tôi gọi là anh, chị mới cho hứng nước tắm.
Đổi lại khi nào bị mất nước các hộ dân trên đồi chưa kịp trữ nước lại nhao xuống khu dân cư xin nước. Lúc ấy bọn trẻ khu dân cư trong đó có tôi lại được dịp xua chó sủa inh ỏi, mà việc mất nước ngày ấy diễn ra như cơm bữa.
Đồi A1 không cao nhưng đi từ chân lên đến nhà ở đỉnh đồi cũng mỏi cả chân. Đứng trên đỉnh đồi có thể nhìn thấy một góc phường Phan Đình Phùng với rất nhiều thửa ruộng bốn màu xanh mướt. Ngay con đường từ cổng sau Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên dẫn đến quả đồi hai bên cũng là cánh đồng lúa. Ngày mùa, khi người nông dân vào vụ gặt thì tất cả lũ trẻ trên đồi và khu dân cư không hẹn mà cùng có mặt trên đồng để mót lúa. Hình như các bác nông dân thời ấy cũng biết bọn trẻ chúng tôi thích mót thóc nên cố tình để lại một vài bông lúa trên những gốc rạ đã gặt. Thế là lũ trẻ lại có dịp chí chóe nhau xem ai nhìn thấy thóc trước.
Bây giờ quả đồi trong lòng thành phố chỉ còn trong ký ức của một số người. Vật đổi sao rời, đồi A1 đã được san phẳng để lấy đất cắm cho các gia đình là cán bộ, công nhân viên bệnh viện. Nơi ấy giờ là khu dân cư với nhiều ngôi nhà kiến trúc hiện đại mọc lên. Lối rẽ từ trục đường Hoàng Văn Thụ dẫn vào chạy dọc theo nhà tang lễ đã được thảm nhựa, dấu tích của một thời gian khó không còn bởi sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Thép. Thế nhưng, cư dân đồi A1 xưa mỗi khi gặp nhau sau cái bắt tay mừng vui là câu chuyện: hồi trước nhà mình ở đồi A1…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202410/nha-toi-o-doi-a1-bfe0f0e/