Chiến tranh đã lùi xa, nhưng thương tật mà chiến tranh để lại vẫn là nỗi đau dai dẳng đối với thương binh, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Nguyễn Hải Âu, xóm 9, xã Cổ Lũng (Phú Lương). Với bản lĩnh can trường của người lính Cụ Hồ, ông đã cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành tấm gương sáng trong phát triển sản xuất, kinh doanh ở địa phương và luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, nhất là những đồng đội của mình.
Thương binh, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Hải Âu (bên phải) đưa đồng đội đến khám sức khoẻ miễn phí tại Trạm Y tế thị trấn Giang Tiên, Phú Lương. |
Một ngày mưa tầm tã, tại Trạm Y tế Giang Tiên, chúng tôi gặp ông Nguyễn Hải Âu cùng các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 91 đang đưa đón, hướng dẫn các NNCĐDC khám bệnh, xếp đặt cẩn thận những phần thuốc vào thùng chuyển về cho những đồng đội của mình.
Ông bảo: “Chương trình khám và tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho NNCĐDC được tổ chức tại đây, nhưng hôm nay trời mưa quá, nhiều đồng chí không đến được, nên tôi mang các phần quà về giúp.”
Nhìn đôi chân ông chầm chậm bước, cách ông chăm lo công việc và chia sẻ về những đồng đội của mình, tôi mới thấy nghĩa tình của những người lính quý giá biết nhường nào.
Ngược về quá khứ, năm 1970, chàng thanh niên Nguyễn Hải Âu khi đó đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Y, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã cùng bạn bè xếp bút nghiên lên đường ra trận.
Sau nhiều tháng huấn luyện, anh được biên chế tại Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Đến năm 1975, trong trận đánh vào Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, anh bất ngờ vấp vào bom định hướng của địch, bị gãy dập nát hai chân…
“Được cứu chữa, tỉnh lại, tôi mới biết cả Đại đội gần 70 người đã hy sinh gần hết, chỉ còn lại tôi và 3 đồng chí nữa, trong đó có một người cũng ở xã Cổ Lũng” – Ông Nguyễn Hải Âu đau buồn nhớ lại.
Khi rời quân ngũ về địa phương, dù là thương binh ¼ và là NNCĐDC, sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn song ông Nguyễn Hải Âu đã cùng vợ lăn lộn nhiều nghề để kiếm sống.
Nhận thấy bánh chưng là nghề gia truyền nhưng ngày càng mai một, trong khi đây là loại bánh không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, năm 2013, ông thành lập Công ty TNHH Hảo Âu (tên hai vợ chồng ông), tập trung chính vào sản phẩm bánh chưng, sau đó sản xuất, kinh doanh thêm các loại bánh dân tộc truyền thống khác.
Đến nay, Công ty liên kết với 70 thành viên, tạo việc làm cho trên 10 lao động, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 50 tấn bánh chưng, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Cùng thời gian đó, ông còn được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu. Với vai trò đó, ông tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, phát huy nghề truyền thống; tổ chức cho bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm… Nhờ vậy, thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu dần được hồi sinh, phát triển mạnh, đời sống người làm nghề không ngừng được nâng lên.
Ông vui vẻ khoe: Năm 2009, UBND tỉnh đã công nhận Làng nghề truyền thống bánh chưng Bờ Đậu. Năm 2013, Làng nghề được nhận Cúp vàng “Thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng toàn quốc”.
Mới đây nhất, tháng 3/2023, ông vinh dự đại diện cho Làng nghề đưa các sản phẩm tham dự Diễn đàn Xúc tiến đầu tư châu Á tại Malaysia. Bản thân ông được vinh danh, nhận nhiều khen thưởng cao quý của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Năm 2022, ông được công nhận là “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”.
Ông Trần Trọng Tuyên, Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Phú Lương, nhận xét: Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương, ông Hải Âu còn luôn hết lòng giúp đỡ đồng đội và tích cực ủng hộ các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Trong vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh huyện Phú Lương, thành viên Ban Chấp hành Hội NNCĐDC xã Cổ Lũng, hàng năm, vào dịp lễ, tết, Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), và Ngày Vì NNCĐDC (10/8), ông đều tổ chức các hoạt động nghĩa tình đồng đội.
Trung bình mỗi năm, ông bỏ ra từ 50-60 triệu đồng để ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện; gặp mặt, tặng quà, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua xe lăn, ti vi, bàn ghế… tặng hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, gần một năm nay, nhà hàng của ông gắn biển “Nhà hàng Nghĩa tình đồng đội”. Ông bảo: Đó vừa là điểm dừng chân nghỉ ngơi, ôn lại kỷ niệm đời lính, đồng thời là nơi chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, thăm hỏi, tặng quà đồng đội mỗi khi qua đây. Có địa chỉ này rồi, nhiều đoàn cựu chiến binh khắp mọi miền về Thái Nguyên đã qua thăm chỗ tôi. Chúng tôi đã sống một cuộc đời có ý nghĩa!.