Tháng 8 vừa qua, trên địa bàn các xã: Thượng Nung, Cúc Đường và Vũ Chấn (Võ Nhai) đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục, với 6 con bò mắc bệnh. Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã phối hợp với huyện Võ Nhai và các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Những con bò mắc bệnh viêm da nổi cục của gia đình ông Hoàng Văn Mão (ở xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường, Võ Nhai) đang dần hồi phục. |
Sau gần 1 tháng chữa trị, 3 con bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục của gia đình ông Hoàng Văn Mão, ở xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai), đã khỏi các triệu trứng và đang dần hồi phục.
Ông Mão chia sẻ: Nhận thấy bò có biểu hiện mắc bệnh, gia đình tôi đã báo cáo chính quyền địa phương và được cán bộ thú y hỗ trợ, cung cấp vật tư, hóa chất để vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, phun thuốc diệt côn trùng. Ngoài ra, tôi không chăn thả bò để tránh lây lan bệnh và tích cực chăm sóc, bổ sung rau xanh, cho uống các loại thuốc theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để tăng sức đề kháng cho đàn bò.
Nói về công tác khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn, bà Đặng Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, cho biết: Ngay khi phát hiện ổ dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện Võ Nhai đã cấp 1.000 liều vắc-xin để tiêm phòng bao vây. Đồng thời chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh, vận động bà con hạn chế chăn thả gia súc và nghiêm cấm việc bán chạy vật nuôi ốm, mắc bệnh. Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy thói quen chăn thả gia súc cùng với việc người dân còn chủ quan, không tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi là nguyên nhân chính xuất hiện bệnh viêm da nổi cục. Không riêng ở Võ Nhai, trước đó, vào tháng 4 và tháng 5, Thái Nguyên đã xảy ra 2 ổ dịch tại huyện Đồng Hỷ và TP. Sông Công với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 14 con, phải tiêu huỷ 2 con với tổng trọng lượng 378kg.
Trước tình hình trên, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, ổ dịch cũ để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tập kết, thu gom, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc; rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi để triển khai tiêm phòng vắc-xin đợt II/2023, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn trở lên.
Đối với Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản, đơn vị đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh. Trong đó tập trung tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các hộ có gia súc biểu hiện bị bệnh và vùng có nguy cơ cao; khuyến cáo bà con thực hiện việc nuôi nhốt gia súc tại các khu vực có bệnh hoặc nghi mắc bệnh; nghiêm cấm việc người dân bán chạy, giết mổ hoặc vứt gia súc chết, bị bệnh ra môi trường.
Với các giải pháp quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi, đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, không lây lan ra diện rộng.
Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản vẫn khuyến cáo các địa phương không được chủ quan, lơ là, mà cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Các hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại; tổ chức tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò để hạn chế lây lan dịch bệnh, góp phần duy trì sản xuất.