Khi những cơn gió heo may bất chợt đến, mùi cốm nồng nàn trong ngõ quen, ấy là Thu đã về, chợt nghĩ miên man về mùa Thu của quê hương, mùa Thu cách mạng.
undefined |
Có lẽ không ở đâu như đất nước ta, màu nắng Thu vàng óng, màu trời Thu xanh thẳm không chỉ nhắc nhớ mỗi người về sự tuần hoàn của đất trời, mà còn nhắc nhớ tìm về lịch sử.
Kể từ ngày thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta, ngày 1/9/1858, đất nước của các vua Hùng dựng xây chìm trong cơ cực.
Với Thái Nguyên, sử sách còn ghi: Ngày 17/3/1884, từ Bắc Ninh, thực dân Pháp đem quân đánh chiếm Thái Nguyên. Sau ba lần tiến đánh, chiếm được tỉnh lỵ, chúng đã đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân, chia tỉnh thành 7 huyện lỵ, 1 châu lỵ và trung tâm hành chính để dễ bề cai trị.
Dưới ách thống trị tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến, nhân dân Thái Nguyên vô cùng điêu đứng. Công nhân trong các mỏ phải làm việc 12 giờ một ngày với đồng lương rẻ mạt, sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Thực hiện chính sách ngu dân, Pháp không cho mở trường học ở Thái Nguyên trong một thời gian dài và đầu độc nhân dân bằng rượu cồn, thuốc phiện.
Không chịu áp bức, những cuộc đấu tranh của nhân dân Thái Nguyên liên tiếp nổ ra, nhưng đều thất bại. Cuộc đấu tranh của nhân dân lại bùng lên khi có Đảng, từ đốm lửa đầu tiên trên đất La Bằng (năm 1936), lan nhanh sang Võ Nhai (năm 1937), phát triển rộng khắp vào những năm 1838-1839 và kết thúc bằng cuộc nổi dậy thần kỳ Tháng Tám.
20/8/1945 là ngày không thể quên của người dân Thái Nguyên. Ngày này 78 năm trước, tại sân vận đông thị xã Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp Thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập chính quyền nhân dân lâm thời tỉnh Thái Nguyên…
Mới đó mà đã gần 80 năm, hôm nay đi giữa “mây của ta, trời thắm của ta”, nghe náo nức đất trời vào Thu mới, lâng lâng niềm tự hào về non sông Việt Nam đã sánh vai với các cường quốc năm châu; tự hào về mảnh đất Thái Nguyên nửa đồng nửa núi đang cùng cả nước vươn tới những tầm cao.