Hiện nay, Thái Nguyên đang quản lý 46 mã số vùng trồng, trong đó có 36 mã số vùng trồng xuất khẩu và 10 mã số vùng trồng nội tiêu. Không chỉ được coi là tấm “hộ chiếu” đưa nông sản ra thế giới, mã số vùng trồng còn giúp các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh định hình thương hiệu, đồng thời bảo đảm việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.
HTX chè trung du Tân Cương Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên) hiện có 5ha chè được cấp mã số vùng trồng. |
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Mã số vùng trồng định danh cho một vùng trồng trọt, cơ sở sản xuất nhằm kiểm soát vật tư đầu vào, như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Từ đây sẽ theo dõi được tất cả quá trình canh tác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua nhật ký canh tác đồng ruộng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nông sản, uy tín và thương hiệu của nhà sản xuất.
Cũng theo ông Tá, mã số vùng trồng chính là “vé thông hành” để nông sản vươn xa. Không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng nông sản, mã số vùng trồng còn bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Chính vì có thể truy xuất nguồn gốc nên đòi hỏi người sản xuất, chế biến nông sản phải nâng cao ý thức trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao uy tín trên thị trường.
Đúng như chia sẻ của ông Tá, khi tìm hiểu thực tế tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy các cá nhân, đơn vị đã mạnh dạn xin cấp mã số vùng trồng đều rất tự tin khi đưa nông sản ra thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè trung du Tân Cương Thái Nguyên, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) cho biết: Trước đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT, chúng tôi đã xin cấp mã số vùng trồng xuất khẩu cho 5ha chè ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương. Có mã số vùng trồng, chúng tôi không lo sản phẩm chè của mình bị đánh cắp thương hiệu hay làm giả. Đây cũng là động lực để HTX thực hiện tốt hơn quy trình sản xuất chè an toàn. Thông qua đó, người tiêu dùng sẽ ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm của HTX, khi họ biết chúng tôi quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tương tự, HTX na La Hiên (Võ Nhai) cũng đã chủ động xin cấp mã số vùng trồng cho diện tích trên 8ha. Các thành viên HTX rất yên tâm mỗi khi đưa sản phẩm ra thị trường, bởi họ luôn chăm sóc, thu hái, bảo quản trái cây theo quy trình sản xuất “sạch”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về phía người tiêu dùng cũng ngày càng nâng cao ý thức về quyền lợi của mình. Bởi vậy, họ thường tìm đến những cơ sở sản xuất nông sản uy tín, đã được cấp mã số vùng trồng để mua sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Dung, ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Đang là mùa na nên gia đình tôi không thể “bỏ qua” thứ trái cây này. Tuy nhiên, tôi rất quan tâm đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Tôi thường mua trái cây có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, dù giá bán có phần “nhỉnh” hơn thị trường. Đó là lý do tôi thường lựa chọn sản phẩm của HTX na La Hiên, vì đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng.
Đi đôi với việc nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng ngày càng được nâng lên, diện tích được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên đáng kể. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay, trong số 36 mã số vùng trồng xuất khẩu, Thái Nguyên đã có 28 mã số vùng trồng chè (trên 217ha); 5 mã số vùng trồng lúa (hơn 42ha), 2 mã số vùng trồng cây ăn quả (trên 16ha) và 1 mã số vùng trồng cây măng tre lục trúc (gần 11ha). Còn trong số 10 mã số vùng trồng nội tiêu, có 5 mã số vùng trồng chè; 4 mã số vùng trồng lúa và 1 mã số vùng trồng rau.
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục khuyến khích các cá nhân, đơn vị xin cấp mã số vùng trồng. Từ đó giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm và thay đổi tư duy trong việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm…