Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, những giám đốc hợp tác xã nông nghiệp hệ 8X, 9X trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tìm ra hướng đi, mô hình mới trong phát triển kinh tế tập thể. Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài nhưng các hợp tác xã này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
HTX trà Sơn Dung TP. Thái Nguyên đặc biệt quan tâm việc in ấn mẫu mã truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm để khách hàng quét mã QR kiểm tra sản phẩm chính hãng. Ảnh: TL |
Trong những năm gần đây, nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học đã chuyển hướng không xin vào cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp mà về quê thành lập HTX nông nghiệp. Với những kiến thức tích lũy từ giảng đường đại học, nắm bắt xu thế, họ đã đẩy mạnh khai thác các nền tảng số vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Qua đó, giải được “bài toán” khó về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mở rộng thị trường cho nông sản…
Khởi nghiệp nơi vùng đất khó
Đang có một công việc với mức thu nhập ổn định nơi phố thị song nhiều người trẻ lại quyết định “bẻ lái” về quê hoặc tìm đến các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh để khởi nghiệp. Trong số 590 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh hiện nay, tỷ lệ HTX do người trẻ làm chủ chiếm khoảng 40%. Nhiều HTX mặc dù mới được thành lập hoạt động không lâu song đã đem về doanh thu hàng trăm đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) năm 2014, anh Nguyễn Quốc Hoàng, sinh năm 1991 ở xóm Bài Kịnh, xã Yên Trạch (Phú Lương) lập gia đình và chọn ở lại TP. Thái Nguyên làm việc. Mặc dù đang có một công việc với mức thu nhập ổn định nhưng năm 2019, anh Hoàng quyết định về nơi “chôn nhau cắt rốn” để lập nghiệp. Khi đó, xã Yên Trạch vẫn thuộc xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 2/3 tổng số hộ dân của xã.
Anh Nguyễn Quốc Hoàng: Tôi nhận thấy nhu cầu về các sản phẩm từ cây dược liệu của người dân ngày càng cao. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, lại sẵn có nghề thuốc nam gia truyền của gia đình nên tôi đã quyết định về quê lập nghiệp. Lúc đầu gia đình không đồng ý nhưng thấy tôi quyết tâm nên mọi người cũng ủng hộ, giúp sức.
Anh Nguyễn Quốc Hoàng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiên Phong, khởi nghiệp thành công từ cây dược liệu. |
Anh Hoàng đã thành lập HTX nông nghiệp Tiên Phong. Tận dụng diện tích trên 1.000m2 của gia đình anh đưa các loại cây dược liệu như: ba kích, khôi nhung, mướp đắng rừng, địa liền… vào trồng. Sau 5 năm, anh đã liên kết với nhiều hộ dân mở rộng diện tích lên gần 7ha.
Trong quá trình khởi nghiệp, anh tiếp tục đăng ký học lớp y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Y tế Thái Nguyên. Cùng với đó, anh đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm các trang thiết bị.
Đến nay, HTX đã sản xuất được các sản phẩm từ cây dược liệu như: trà mướp đắng rừng, cao gắm, cao kim tiền thảo, cao lá gan, cao dạ dày, cao bôi ngoài da … Các sản của HTX được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng, qua đó, đã đem về doanh thu cho HTX hàn trăm triệu đồng/năm.
Cũng từng có một công việc với mức thu nhập ổn định tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên). Nhưng năm 2021, chị Ngô Thị Mai, sinh năm 1989, đã quyết định trở về quê ở xã Phú Tiến (Định Hóa), để khởi nghiệp.
Chị Ngô Thị Mai, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Tiến, xã (Phú Tiến), đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng mít Thái để có vùng nguyên liệu đủ lớn để sản xuất một số sản phẩm từ mít. |
Chị Mai chia sẻ: Trong khoảng thời gian đi làm tôi thường tranh thủ bán hàng online, chủ yếu các loại quả, thịt sấy khô. Khách hàng chủ yếu là những người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Lúc đó tôi nhận thấy các sản phẩm của mình bán ra nếu đảm bảo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng thì sẽ bán được nhiều và giá sẽ cao hơn. Do vậy, tôi quyết định về quê và cùng với anh em trong gia đình thành lập HTX nông nghiệp Phú Tiến, với số vốn điều lệ là 1,2 tỷ đồng.
Hiện HTX của chị Mai chủ yếu là trồng các loại cây ăn quả (mít thái, nhãn, bưởi) theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 4ha và sản xuất thịt lợn hun khói theo đơn đặt hàng của khách hàng. Hằng năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 4-5 tấn quả các loại, với giá trung bình khoảng 10-12 nghìn đồng/kg và 200-250 kg thịt lợn hun khói/tháng, với giá 500 nghìn đồng/kg. Năm 2023, sau khi trừ hết chi phí HTX thu về được 200 triệu đồng và dự kiến năm 2024 thu về khoảng 300 triệu đồng.
Khai thác các nền tảng số để phát triển
Với sức trẻ, vốn tri thức học được trên giảng đường và những kỹ năng về công nghệ, thương mại những giám đốc trẻ HTX đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào trong quá trình phát triển của HTX. Các HTX đã áp dụng phù hợp chuyển đổi số một cách hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
HTX chế biến nông sản Võ Nhai có trụ sở tại xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) được thành lập năm 2020, do anh Lê Văn Hiếu, sinh năm 1988 làm giám đốc. HTX đặt xưởng sản xuất các sản phẩm đặt tại xã Vũ Chấn (Võ Nhai. Hiện HTX đang sản xuất các sản phẩm: Măng nứa tươi, măng nứa sấy khô, mộc nhĩ khô, nấm hương khô…
Thay vì sản xuất các sản phẩm theo cách truyền thống của bà con bản địa là phải “trông trời, trông mây” để phơi các nông sản, thì anh Hiếu đã sử dụng các loại máy thực hiện đồng bộ từng khâu từ luộc măng đến sấy khô, đóng gói, bảo quản… Nhờ đó, HTX đã duy trì hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việc điều hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX đều được áp dụng chuyển đổi số. Thay vì phải đến tận xưởng để chỉ đạo sản xuất thì anh Hiếu ở trụ sở của HTX để điều hành. Anh Hiếu cho biết: Hiện nay, HTX đã thực hiện quy trình đồng bộ hóa dữ liệu trong sản xuất, chế biến các sản phẩm. Chính vì vậy mà làm việc tại trụ sở của HTX tôi vẫn kiểm soát được toàn bộ quá trình làm việc thông qua duyệt lệnh sản xuất. Khi lệnh được phát ra thì mọi quy trình sản xuất sẽ được vận hành theo kế hoạch.
Nhờ đó, khi người tiêu dùng phản hồi về một sản phẩm nào đó có vấn đề thì chúng tôi chỉ cần nhìn vào mã lô sản phẩm sẽ truy xuất tận gốc: ngày thu măng, khu vực thu, ngày sản xuất, công nhân tham gia, số lượng lô hàng, những vấn đề trong quá trình sản xuất… – Anh Lê Văn Hiếu
Còn đối với HTX trà an toàn Phú Đô, xã Phú Đô (Phú Lương) để đưa thông tin chi tiết đến người tiêu dùng HTX đã sử dụng phần mềm ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử Facefarm. Nhật ký sản xuất Facefarm giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR, giúp HTX trong việc bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng. Trước khi đưa ra thị trường HTX sẽ gắn mã QR Code cho từng sản phẩm trà. Khách hàng có thể dùng các app có tính năng quét (zalo, viber, wechat…) để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm một cách nhanh chóng, tiện lợi và với tính chính xác cao.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTX trà an toàn Phú Đô đã nhận được nhiều sự quan tâm, đồng hành của các ngành chức năng của tỉnh. |
Anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTX chia sẻ: Với nhật ký sản xuất FaceFarm người tiêu dùng có thể biết được từng thửa đất trồng chè cuả nông trại trên google map; chi tiết từng ngày chăm sóc chè; các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sử dụng…
Với những nỗ lực của mình, tháng 6-224, HTX của anh Tuấn vinh dự là đơn vị đầu tiên của ngành chè ở phía Bắc được nhận giải thưởng “Vua chuyển đổi số nông nghiệp” lần thứ nhất. Giải thưởng do Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam phối hợp tổ chức.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/luong-gio-moi-cho-kinh-te-tap-the-bai-1-nguoi-tre-lam-nong-nghiep-8dd3804/