Những năm gần đây, phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi” đã tạo được sức lan tỏa trên địa bàn xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi. Anh Lê Thế Hưng, sinh năm 1999, ở xóm Ngòi Trẹo, là một trong những tấm gương như vậy.
Từ chăn nuôi lợn, mỗi năm, gia đình anh Lê Thế Hưng, ở xóm Ngòi Trẹo, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) thu lãi trên 300 triệu đồng. |
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, năm 2018, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, anh Hưng đã theo học Khoa Nấu ăn (Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch), với mong muốn “ly nông” và trở thành chủ một nhà hàng tại quê nhà.
Đến cuối năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, anh trở về quê hương và chờ đợi dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên, về quê lần này, chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh khiến nhiều nơi không đủ thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người dân, anh Hưng quyết định đi học thêm lớp Trung cấp thú y và bàn với bố mẹ đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi của gia đình.
Với tinh thần “nói là làm” của tuổi trẻ, sau khi tham khảo các mô hình chăn nuôi thành công, anh Hưng bắt tay vào đầu tư và thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình. Việc đầu tiên anh làm là tiến hành quy hoạch và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, bao gồm khu nuôi lợn nái sinh sản và khu nuôi lợn thịt, với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo chăn nuôi khép kín; đồng thời, giúp kiểm soát tốt hơn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Để tiết kiệm được chi phí xây dựng và đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, anh đã đi xem thực tế, học tập cách làm chuồng, kỹ thuật nuôi lợn từ Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Nhờ sự tư vấn kỹ thuật của Công ty, anh đã xây dựng được khu chuồng kín, đảm bảo kỹ thuật để nuôi 30 lợn nái ngoại và khu chuồng nuôi lợn thịt quy mô 250-300 con. Con giống anh cũng tìm hiểu và chọn mua từ đơn vị có uy tín nên năng suất và hiệu quả chăn nuôi đạt tốt.
Với số lượng 30 con lợn nái sinh sản, trung bình mỗi năm sản xuất ra khoảng 700 con lợn giống. Đàn lợn con sau khi cai sữa, anh Hưng chuyển sang chuồng nuôi thịt để vừa chủ động con giống, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh. Một phần con giống anh cung cấp cho bà con chăn nuôi trong vùng, phần còn lại để nuôi lợn thịt thương phẩm. Chuồng nuôi lợn thịt của gia đình anh Hưng luôn duy trì quy mô 200 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ chăn nuôi lợn.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Lê Thế Hưng cho biết: Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn đang khó khăn, nhất là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, nhưng đây vẫn là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để phát triển. Để chăn nuôi có hiệu quả, bền vững ngay từ lúc đầu, tôi đã quyết định đầu tư nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, sử dụng hệ thống chuồng kín nhằm đáp ứng yêu cầu về tiểu khí hậu chuồng nuôi và hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh.
Tại tất cả các khu chuồng nuôi, anh Hưng đều lắp đặt hệ thống camera để kiểm tra, theo dõi và giám sát các hoạt động. Theo anh, trong chăn nuôi lợn phải chú ý tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh và thực hiện đúng quy trình an toàn sinh học. Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình anh Hưng còn nuôi 2.000 đôi chim bồ câu lai Pháp, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá…
Nói về mô hình phát triển kinh tế của anh Lê Thế Hưng, đồng chí Liêu Văn Chu, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nam Hòa, đánh giá: Đây là mô hình làm kinh tế trang trại thuộc diện lớn nhất xã và làm ăn có hiệu quả. Bản thân anh Hưng là người dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, có tính sáng tạo và luôn tìm cách áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào thực tế để sản xuất.
Ngoài làm giàu cho bản thân, anh Hưng còn là một đoàn viên thanh niên có trách nhiệm, nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ người dân cùng làm ăn, phát triển. Mô hình trang trại của anh là điển hình trong phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi” tại địa phương. Đồng thời là địa chỉ để người dân địa phương tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất.