Khảo sát tại nhiều ngân hàng những ngày đầu tháng 9 cho thấy, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND thường tại quầy tiếp tục giảm mạnh, với mức giảm 0,3-1,2%/năm so với cùng kỳ tháng 8.
Các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động. |
Trong số ngân hàng được khảo sát, lãi suất huy động cao nhất ở mức 6,75%/năm.
Cụ thể, theo thông tin niêm yết trên website của các Ngân hàng như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), TMCP Quân đội (MB), TMCP Á Châu (ACB), TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), có sự khác biệt trong biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn 6, 9, 12, 24 tháng giữa khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần.
Cụ thể, với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước ở mức thấp nhất là 3%/năm. Còn với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động kỳ hạn này cao nhất duy trì ở mức 4,75%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng (CBBank) có mức huy động cao nhất là 6,5%/năm. Nếu so sánh với ngày 1-8, mặt bằng huy động đã giảm đáng kể, với khoảng 30 ngân hàng giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn này.
Ở kỳ hạn 12 tháng, không còn ngân hàng áp dụng lãi suất 7%/năm, nên biểu lãi suất huy động dao động trong khoảng 5%-6,8%/năm.
Tại kỳ hạn dài 24 tháng, lãi suất huy động cũng rơi xuống dưới ngưỡng 7%/năm, áp dụng trong khoảng 4,2%-6,9%/năm. Mức lãi suất này cũng đã giảm so với thời điểm đầu tháng 8.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BVSC, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng rủi ro tỷ giá lớn hơn, mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Ngoài ra, hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nên dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn.