Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 29-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về 2 dự án luật: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia Tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH 2 tỉnh Đồng Nai, Thừa Thiên Huế.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, phát biểu tại Tổ thảo luận số 7. |
Thời gian qua, các quy định pháp luật về chứng khoán, kiểm toán độc lập, kế toán, ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý thuế, dự trữ quốc gia được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ. Nhờ việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật này đã tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn NSNN, tài chính, tài sản nhà nước, góp phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng phát sinh nhiều vấn đề mới và một số khó khăn, vướng mắc, bất cập. Do đó cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 109 điều, được xây dựng nhằm tháo gỡ căn bản những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.
Các dự án luật trên được đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp để rút ngắn thời gian ban hành chính sách, có cơ sở pháp lý nhằm sớm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong áp dụng quy định của pháp luật, kịp thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) phát biểu thảo luận. |
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, nhất trí về sự cần thiết ban hành các luật trên.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, đại biểu Đoàn Thị Hảo thống nhất với phương án bổ sung hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” đối với tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng tại khoản 2a Điều 40, khoản 2a Điều 87, Điều 42a, Điều 89a Luật hiện hành.
Theo đại biểu, đây là hình thức được áp dụng khá phổ biến và là cơ sở để địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả tài sản công là nhà, đất dôi dư, tạo nguồn thu cho NSNN, bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với quy định về phân loại kế hoạch đầu tư công theo nguồn vốn đầu tư tại khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị bổ sung thêm nguồn vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong phân loại kế hoạch đầu tư công theo nguồn vốn đầu tư, trong đó xác định rõ nguồn vốn tại kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương (cấp phát) và nguồn vốn nước ngoài vay lại (bội chi ngân sách địa phương).
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công với các lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu đề nghị việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cần gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm.
Đại biểu cũng đề nghị về một số nội dung cụ thể, như: Xem xét lại nội dung giải thích từ ngữ về “nợ đọng xây dựng cơ bản”; bổ sung nội dung “xử lý sự cố, thảm họa thiên tai” và các nội dung liên quan đến chính sách dân tộc vào danh mục ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công; rà soát, nghiên cứu lại tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia đối với các dự án sử dụng đất có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ.
Đại biểu đề nghị cho phép thực hiện theo quy trình, thủ tục rút gọn đối với các công trình đầu tư công có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, đặc biệt là các công trình cộng đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202410/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-can-thiet-sua-doi-bo-sung-luat-dau-tu-cong-7f02634/