Đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chống Pháp ở Thái Nguyên vẫn được duy trì, mặc dù mức độ có dịu đi. Đỉnh cao của phong trào là cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên nổ ra tháng 8/1917, do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo.
Cổng Trại lính khố xanh tỉnh Thái Nguyên, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Ảnh: Tư liệu
Đội Cấn xuất thân là viên đội khố xanh, còn Lương Ngọc Quyến là nhà yêu nước bị Pháp kết án tù chung thân, giam ở nhà tù Thái Nguyên. Khởi nghĩa bắt đầu từ đêm 30/8/1917, tại Trại lính khố xanh Thái Nguyên.
Tháng 8/1917, có tin lan truyền lính khố xanh sắp bị chuyển đi nơi khác, nguồn tin này thúc đẩy dự định khởi nghĩa của Đội Cấn và binh lính của ông. Trưa Chủ nhật (29-8), dưới hình thức mời cơm, Đội Cấn triệu tập Ban Chỉ huy khởi nghĩa, quyết định khởi nghĩa vào 23 giờ ngày 30-8 và phân định công việc cho từng người.
Theo kế hoạch, đêm 30-8, Đội Trường đến phòng ngủ của tên giám binh Nôen, lừa bắn chết hắn. Sau khi nghe tiếng súng nổ, Đội Cấn tập hợp binh lính khố xanh tuyên bố khởi nghĩa. Đội Cấn truyền đọc hịch khởi nghĩa, tuyên bố ai đi theo nghĩa quân thì ở lại, ai không theo cho về nhà. Trong số 175 lính khố xanh, 131 người tình nguyện tham gia khởi nghĩa. Trại lính thuộc về tay nghĩa quân.
Sau khi chiếm trại lính, nghĩa quân tiến sang nhà tù Thái Nguyên giết chết giám ngục, giải phóng cho Lương Ngọc Quyến cùng 180 tù nhân khác. Các tù nhân đã hăng hái tham gia nghĩa quân. Nghĩa quân lần lượt đánh chiếm tòa Công sứ, nhà Bưu điện, Sở Lục lộ, Sở Điền bạ, Tòa án, Nhà đoan. Vị trí cuối cùng nghĩa quân đánh chiếm là Kho bạc, vào chiều 31-8.
Chỉ trong một ngày đêm, binh sĩ Thái Nguyên dưới sự lãnh đạo của Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) và Lương Ngọc Quyến đã nổi dậy làm chủ được tỉnh lỵ. Sáng 31-8, nghĩa quân tuyên bố thành lập Quang Phục quân do Trịnh Văn Cấn làm Đại đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư.
Cùng với việc thành lập Quang Phục quân, nghĩa quân tuyên bố đặt quốc hiệu là Đại Hùng, định quốc kỳ nền vàng 5 ngôi sao đỏ. Giữa lúc đó, địch bắt đầu hành động.
Chiều 31-8, thống sứ Bắc Kỳ cùng tướng tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương dẫn quân lên Gia Sàng. Thực dân Pháp đã huy động lực lượng lớn có pháo binh yểm trợ để đàn áp.
Ngày 4-9, quân Pháp từ Gia Sàng tấn công tỉnh lỵ Thái Nguyên. Do chênh lệch lực lượng, trưa 5-9, nghĩa quân rút khỏi tỉnh lỵ. Trên đường rút chạy, nghĩa quân liên tục bị chặn đánh. Nhờ sự ủng hộ tích cực của nhân dân, nghĩa quân đã kéo dài cuộc chiến hơn 6 tháng.
Cuối năm 1917, nghĩa quân bị suy kiệt và tan rã từng mảng. Mặc dù thất bại nhưng Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân Thái Nguyên, là đòn đánh nặng vào âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp.
TNĐT