Quang cảnh Lễ hội
Dự Lễ hội có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng); lãnh đạo Quân khu 1; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương của tỉnh; lãnh đạo một số huyện của các tỉnh bạn; lãnh đạo huyện Định Hóa cùng đông đảo Nhân dân và du khách địa phương.
Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội
Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa (thường gọi là hội xuống đồng) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Đây là lễ hội truyền thống của người Tày ở vùng Việt Bắc, được tổ chức vào ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, với ý nghĩa là sự mở đầu tốt đẹp cho một năm lao động nông nghiệp, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu thần nông – vị thần cai quản ruộng đồng, phù hộ cho mùa màng bội thu, bản làng yên vui, no ấm. Trong quá trình phát triển với tinh thần đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em, ngày nay Lễ hội Lồng Tồng không còn riêng là lễ hội của người Tày mà đã trở thành lễ hội chung, biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị, anh em giữa Nhân dân các dân tộc vùng chiến khu ATK Định Hóa.
Các đại biểu tham dự Lễ hội
Cũng như truyền thống hằng năm, trong phần lễ của Lễ hội Lồng tồng 2025 đã diễn ra Lễ cầu mùa của dân tộc Tày, Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chay và Lễ cầu phúc của dân tộc Dao. Trong phần nghi Lễ cầu mùa của dân tộc Tày, Nhân dân dâng lên thánh thần cơm xôi, gạo nếp, những món sơn hào và kèm theo hương nhang thành kính để thầy cúng tế lễ thánh thần, cầu cho một năm mới an lành gặp nhiều may mắn, con người khỏe mạnh, làng xóm yên vui, mùa màng tốt tươi, đơm hoa kết trái.
Đồng chí Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa đánh trống khai hội
Ở Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chay, đồng bào chuẩn bị lễ vật là các dụng cụ liên quan đến canh tác nông nghiệp được tạc bằng gỗ, kích thước nhỏ như: Cày, bừa, quốc, xẻng, trâu và các sản vật nông nghiệp canh tác được trong năm như thóc nếp, thóc tẻ, ngô, khoai, sắn. Hàm ý mong muốn thánh thần đến chứng giám, phù hộ giúp dân làng có thêm mùa cày cấy thuận lợi, bội thu. Trong Lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu an của dân tộc Dao, với lễ vật là gói xôi nếp 4 màu tượng trưng cho bốn quý trong năm, có thêm gà luộc, thủ lợn và 2 chai rượu thể hiện sự đủ đầy, thầy cúng giọng lúc lên bổng, xuống trầm với lời chúc phát tài, gia đình hạnh phúc, xum vầy, bình an.
Nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày
Một nghi lễ cũng rất quan trọng và không thể thiếu trong Lễ hội Lồng Tồng, đó là Lễ cày Tịch điền. Sau khi tiến hành nghi Lễ cầu mùa, thầy Tào người dân tộc Tày sẽ xuống ruộng làm Lễ cày Tịch điền tại cánh đồng, một người nông dân dân tộc Tày – đại diện cho Nhân dân lao động sẽ mở những luống cày đầu tiên, mở đầu cho một vụ mùa mới.
Sau phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Hội thi cấy, thi giã bánh giầy; bịt mắt bắt dê; đi cầu thăng bằng; thi cà kheo; cờ tướng; thi bắn nỏ; kéo co; đẩy gậy; tung còn; Giải bóng đá huyện Định Hóa…
Đặc biệt, chương trình của Lễ hội Lồng Tồng còn tổ chức không gian văn hóa trà; không gian giới thiệu văn hóa dân ca các dân tộc; không gian giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể và sản phẩm đặc trưng, ẩm thực đặc trưng của huyện; đêm lửa trại ATK Định Hóa…
Các đại biểu, Nhân dân và du khách tham gia tung còn tại Lễ hội
Lễ hội Lồng Tồng nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Đây cũng là dịp để huyện Định Hóa giới thiệu với du khách thập phương các giá trị văn hóa, lịch sử di tích ATK, nơi được Trung ương Đảng, Bác Hồ xây dựng chiến khu cách mạng lịch sử vẻ vang năm xưa; đồng thời, tái hiện những nét văn hóa ngàn năm của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc. Việc duy trì Lễ hội hàng năm không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy một lễ hội mang bản sắc của địa phương, mà còn là nỗ lực góp phần quan trọng khôi phục, bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc, tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trước đó, các đại biểu đã đến dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia chùa Hang, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa.
Kim Oanh – Đình Sơn
thainguyen.gov.vn
Nguồn: https://thainguyen.gov.vn/vi_VN/thoi-su/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/khai-hoi-long-tong-atk-inh-hoa-2025?redirect=%2Fvi_VN%2Fthoi-su&inheritRedirect=true