“Lọng bướm” – một cái tên có lẽ còn xa lạ với nhiều người, nhưng thực chất đây là một món đồ trang trí từng xuất hiện trong văn hóa người Việt xưa. Từng là biểu tượng của sự quyền quý, mang ý nghĩa trường thọ và phúc lộc, lọng bướm đã thất truyền theo thời gian. Thế nhưng, với niềm đam mê và lòng trân trọng di sản văn hóa, bạn Nguyễn Phương Trang (sinh năm 1996, ở phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) đã đưa lọng bướm trở lại đời sống đương đại, góp phần bảo tồn giá trị thủ công truyền thống.
Năm 2024, Nguyễn Phương Trang – một nhà thiết kế Việt phục tại Thái Nguyên, tình cờ biết đến lọng bướm khi nghiên cứu sâu về Việt phục. Phương Trang chia sẻ: Lọng bướm là một sản phẩm thủ công truyền thống của người An Nam, bắt nguồn từ làng nghề làm lọng. Chúng được chế tác tỉ mỉ với cán bằng cây tre đực, khung bằng nan tre, tán phất giấy dó, nhựa cậy và được trang trí hoa văn tứ linh, chữ Thọ mang đậm nét văn hóa.
Lọng bướm không chỉ là vật phẩm trang trí mà còn mang ý nghĩa chúc tụng, biểu tượng cho sự trường thọ và sinh sôi nảy nở. Vì vậy, chúng thường xuất hiện trong các gia đình quyền quý và đôi khi được sử dụng làm vật trang trí tường trong những không gian sang trọng.
Mặc dù lọng bướm là một sản phẩm thủ công ra đời từ thế kỷ 20, nhưng mãi gần đây thì món phụ kiện này mới được chú ý rộng rãi. Sự nổi tiếng của lọng bướm đến từ các cuộc thi nhan sắc.
Trang phục của Hoa hậu Kỳ Duyên trên sân khấu bán kết Miss Universe 2024 tại Mexico. (ảnh: Bazaarvietnam) |
May mắn thay, không chỉ riêng Trang mà còn có nhiều bạn trẻ khác chung tay trong hành trình hồi sinh lọng bướm. Trong đó, Phùng Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1995), hiện sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, là người đã chia sẻ chi tiết cách làm lọng bướm trên mạng xã hội, khơi dậy sự quan tâm của đông đảo cộng đồng. Nguyễn Phương Trang là một trong số những bạn trẻ được truyền cảm hứng từ họa sĩ 9x Phùng Nguyễn Anh Khoa.
Phùng Nguyễn Anh Khoa được ghi nhận có công phục dựng lại lọng bướm khi nhìn thấy bức phác thảo trong quyển “Kỹ thuật của người An Nam” của tác giả Henri Oger. Chỉ dựa vào một vài bức ảnh đen trắng, bản phác thảo in trong sách và vài dòng sơ lược ngắn về vật phẩm này, anh đã phục dựng sát sao với phiên bản gốc, đạt độ tương đồng đến 70-80%.
Nhờ những bài hướng dẫn tỉ mỉ của Khoa, nhiều bạn trẻ như Trang đã bắt đầu tự chế tác, sáng tạo và góp phần lan tỏa rộng rãi nét văn hóa truyền thống này. Chính tinh thần kết nối và sẻ chia ấy đã giúp lọng bướm không còn là một ký ức xa vời mà dần tìm lại chỗ đứng trong đời sống đương đại.
Sự tinh xảo của lọng bướm không chỉ đến từ chất liệu mà còn ở nghệ thuật chế tác, phản ánh sự khéo léo và tư duy sáng tạo của các nghệ nhân. Sản phẩm này có nguồn gốc từ làng nghề truyền thống làm lọng của người Việt xưa, nơi mỗi chiếc lọng không chỉ là vật dụng nghi lễ mà còn mang giá trị thẩm mỹ và tâm linh sâu sắc.
Các mẫu nguyên bản từ xa xưa thường có màu sắc trầm, chủ yếu mang bảng màu đen, xanh lục, vàng. Màu trầm làm nền cho đường trang trí bằng chỉ ngũ sắc và các quả bông treo cùng.
Trong quá trình chế tác những chiếc lọng tròn, người làm thường gặp phải những lỗi nhỏ như gãy nan hay rách giấy. Thay vì bỏ đi, họ đã sáng tạo ra lọng bướm – một biến tấu độc đáo được làm từ những phần có thể tận dụng, thể hiện tinh thần tiết kiệm, tái chế và tôn trọng từng vật liệu.
Lọng bướm truyền thống được làm từ giấy dó và tre, những chất liệu đặc trưng của văn hóa Á Đông, mang đến vẻ đẹp mộc mạc nhưng tinh tế. Giấy dó không chỉ bền chắc, nhẹ nhàng mà còn tạo bề mặt phù hợp để vẽ họa tiết, trong khi tre giúp kết cấu của lọng bướm trở nên chắc chắn mà vẫn giữ được sự thanh thoát.
Việc giữ nguyên chất liệu truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn giúp sản phẩm thân thiện với môi trường. Nếu thay thế bằng vải hay kim loại thì không chỉ khó vẽ họa tiết mà còn làm mất đi nét đặc trưng vốn có của loại hình nghệ thuật này.
Không chỉ đơn thuần là một món đồ thủ công đẹp mắt, lọng bướm còn mang giá trị văn hóa sâu sắc. Sự trở lại của lọng bướm là minh chứng cho việc giới trẻ không hề thờ ơ với di sản dân tộc. Điều quan trọng là làm sao để những giá trị ấy được phổ biến một cách dễ hiểu, có câu chuyện đi kèm để kết nối với thế hệ hiện đại.
Ban đầu, việc làm lọng bướm chỉ là sở thích cá nhân của một số bạn trẻ như Nguyễn Phương Trang, nhưng khi được chia sẻ lên mạng xã hội, món đồ này nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Nhiều người bày tỏ mong muốn sở hữu một chiếc lọng bướm, nhưng do quy trình làm khá phức tạp, không phải ai cũng có thể tự thực hiện.
Sự hồi sinh của lọng bướm cho thấy những giá trị văn hóa xưa cũ hoàn toàn có thể được đưa trở lại cuộc sống hiện đại nếu có những người thực sự đam mê và dám dấn thân. Không chỉ dừng lại ở việc phục dựng, những người trẻ như Nguyễn Phương Trang còn cố gắng tìm ra cách để lọng bướm có thể phù hợp hơn với nhu cầu ngày nay mà vẫn giữ được tinh thần nguyên bản.
Khi những món đồ như lọng bướm được phổ biến trở lại sẽ không chỉ là một sản phẩm trang trí đơn thuần, mà còn là cầu nối đưa thế hệ trẻ đến gần hơn với văn hóa ông cha, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của dân tộc.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202504/hoi-sinh-long-buom-tinh-hoa-thu-cong-viet-nam-58a0898/