Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ “xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội”, những năm qua, hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được quan tâm đầu tư có trọng điểm. Đến nay, “bức tranh toàn cảnh” về GTVT của tỉnh từng bước đồng bộ, hiện đại, trở thành lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Tuyến đường Huống Thượng – Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chiều dài toàn tuyến là 5,7km, nền đường rộng 24,5m, mặt đường rộng 15m, có 4 làn xe chạy với vận tốc thiết kế 60 km/h. |
Trong giai đoạn 2021-2025, cùng với việc tiếp tục triển khai 9 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang, ngành GTVT đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nhiều dự án đầu tư các tuyến đường giao thông. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án giao thông được đầu tư mới.
Năng lực tăng thêm giai đoạn 2021-2025 là 160,64km (đường làm mới là 81,35km, nâng cấp cải tạo là 79,29km), trong đó, số km đường đã thi công hoàn thành từ năm 2021 đến nay là 68km (đường làm mới là 9,17km, nâng cấp cải tạo là 58,29km); số km đường còn lại phấn đấu thi công hoàn thành đến hết năm 2025 là 92,64km (đường làm mới là 72,18km, nâng cấp cải tạo là 21km). Về phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn từ năm 2021 đến nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư công đã giải ngân đạt trên 4.249/ 5.689 tỷ đồng, đạt 74,69%.
2 tuyến đường trọng điểm được tỉnh tập trung đầu tư, các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2024 (trước 1 năm theo kế hoạch) là Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc và đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội.
Tuyến đường liên kết vùng Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc là dự án hạ tầng GTVT có quy mô lớn nhất được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng mức đầu tư 4.204 tỷ đồng, với tổng chiều dài 42,55km. Tuyến chính dài 36,51km, đoạn nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường tỉnh ĐT.261 dài 6,04km. Đến nay, nền đường đạt 94,8% khối lượng (thi công trên phạm vi 40,78km/ 42,55km); móng đường cấp phối đá dăm loại II đạt 60,39% khối lượng (thi công trên phạm vi 25,7km/ 42,55km)…
Một số đoạn của Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc đang được thảm bê tông nhựa mặt đường. Ảnh: T.L |
Dự án đường Vành đai V, đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (nối huyện Phú Bình với tỉnh Bắc Giang), có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Hiện nay, thi công nền đường đạt 70,76% khối lượng (thi công trên phạm vi 6,5km/6,685km); mặt đường trải bê tông nhựa đạt 11% khối lượng (thi công trên phạm vi 0,9km/6,685km)…
Cùng với 2 dự án giao thông trọng điểm nêu trên, huyện Định Hóa và các đơn vị của ngành GTVT đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang) đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để Dự án triển khai đúng tiến độ.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – Trung Lương có tổng chiều dài tuyến là 11,50km đi qua địa phận 5 xã, thị trấn của huyện Định Hóa. Khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo thành một hệ thống giao thông đường bộ liên vùng, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang nói riêng và khu vực Trung du và miền núi phía Bắc nói chung.
Có thể khẳng định, hệ thống hạ tầng GTVT của tỉnh được đầu tư theo hướng tạo sự liên kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các khu, cụm công nghiệp (CCN) thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 11.445km đường bộ trong đó có 8 tuyến quốc lộ qua địa bàn có chiều dài 328km; 21 tuyến đường tỉnh dài 384km; 159km đường đô thị; 742km đường huyện; 3.232km đường xã và trên 6.600km đường dân sinh cấp thấp khác.
Các dự án giao thông lớn như Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc, đường Vành đai V khi được hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ đem lại lợi ích đột phá về hạ tầng giao thông liên vùng; rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian di chuyển, kết nối liên khu vực giữa vùng Thủ đô và các tỉnh vùng Trung du miền núi.
Đặc biệt, dọc các tuyến đường, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tạo quỹ đất phát triển các khu, CCN, tạo điều kiện hình thành một số khu vực trọng điểm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp ưu tiên mang tính đột phá…
Dọc tuyến đường vành đai V đi trùng Đại lộ Đông – Tây qua địa phận huyện Phú Bình, chủ đầu tư 2 CCN Bảo Lý – Xuân Phương và Hạnh Phúc – Xuân Phương đang được đẩy nhanh tiến độ. Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phú Bình diện tích trên 900ha đang triển khai xây dựng gần tuyến đường này.
Đầu năm nay, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 4 CCN là: Hà Châu 1, Hà Châu 2, Tân Đức và Lương Phú – Tân Đức, với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Phú Bình tập trung thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, sớm hoàn thiện các tiêu chí cơ bản trở thành thị xã trước năm 2025.
Đối với Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc, dọc tuyến được quy hoạch Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Tây Phổ Yên, CCN Minh Đức TP. Phổ Yên. Dự án giúp kết nối sân gôn Glory tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên), CCN Quân Chu, CCN Cát Nê – Ký Phú, 2 sân gôn tại thị trấn Quân Chu (Khu tổ hợp văn hóa, thể dục – thể thao sân gôn Quân Chu, Khu thể thao sân gôn tại thị trấn Quân Chu và xã Cát Nê) của huyện Đại Từ và Khu du lịch Hồ Núi Cốc.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng GTVT theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết, 6 tháng đầu năm 2024, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư của 2 dự án: Đường nối từ Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang và Vĩnh Phúc đến đường Triệu Quang Phục (TP. Phổ Yên); tuyến đường kết nối từ đường Bắc Sơn đến khu liên hợp thể thao tỉnh và tuyến đường kết nối từ đường Bắc Sơn đến khu liên họp thể thao tỉnh. Đồng thời điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án: Đường Vành đai I đoạn Bờ Đậu, Phú Lương – Hóa Thượng, Đồng Hỷ và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT.261 – ĐT.266 giai đoạn I.
Cùng với xây dựng mới đường giao thông, Sở GTVT quan tâm bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường do tỉnh quản lý. |
Hiện nay, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bắc Giang nghiên cứu bổ sung vào Quy hoạch tuyến giao thông kết nối 2 tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn và Hà Nội – Thái Nguyên để tăng cường liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới; tham mưu đề nghị Bộ GTVT sớm đầu tư, cải tạo Quốc lộ 17 đoạn từ thị trấn Phồn Xương (Bắc Giang) sang tỉnh Thái Nguyên; xây mới cầu thay thế ngầm Tam Kha trên Quốc lộ 17 và đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, khôi phục tuyến đường sắt Kép – Lưu Xá.
Việc phát triển hạ tầng GTVT trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI. Hệ thống giao thông đồng bộ, mang “tính liên kết, kết nối vùng” trở thành thế mạnh và điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202409/hoan-thien-he-thong-giao-thong-theo-huong-lien-ket-dong-bo-9de0794/