Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân hình thành các mô hình kinh tế tập thể. Từ đó giúp nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Tham gia tổ hợp tác nuôi cá, ông Dương Văn Thảo, ở xóm Bình Định, được vay vốn 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, hình thành vùng chuyên canh thủy sản ở xã Kha Sơn (Phú Bình). |
Để nông dân hiểu và tham gia mô hình kinh tế tập thể (KTTT), năm 2021, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh về các nội dung như: Thực hiện mục tiêu 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025; xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và chi hội HND nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2025.
Riêng năm 2024, HND tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 3 lớp tập huấn về chính sách phát triển KTTT cho 360 hội viên nông dân, chỉ đạo thành lập, hỗ trợ và ra mắt 2 mô hình điểm về KTTT tại xã Bình Long (Võ Nhai) và xã Nam Hoà (Đồng Hỷ); 25 hội nghị tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng chuỗi cho trên 1.250 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thành viên chi, tổ HND nghề nghiệp.
Các cấp HND trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình chi hội, tổ HND nghề nghiệp theo phương thức “5 tự”, “5 cùng” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; cùng chí hướng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi). Các mô hình xây dựng dựa trên cơ sở những ngành nghề, lĩnh vực lợi thế của địa phương, tâm huyết của nông dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 39 chi HND nghề nghiệp, với 1.021 thành viên, 233 tổ HND nghề nghiệp, với 3.559 thành viên. Hội viên tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ kiến thức; cung cấp, trao đổi thông tin giá cả thị trường, các loại con giống, thức ăn; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Để giúp nông dân, nhất là các thành viên tham gia hình thức KTTT có vốn phát triển sản xuất, các cấp Hội đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ vốn cho hội viên qua các nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội và lồng ghép các nguồn vốn khác.
Riêng trong năm 2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cấp bổ sung 8 dự án, với số tiền hơn 5,2 tỷ đồng, cho 100 hộ vay vốn (tổng nguồn vốn cho vay lũy kế, quay vòng sau 10 năm của Quỹ đã đạt trên 151 tỷ đồng, với 268 dự án, cho 2.437 lượt hộ vay). Tính đến tháng 10-2024, có trên 38.300 lượt hội viên vay vốn từ các ngân hàng, với tổng dư nợ trên 3.300 tỷ đồng…
Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xóm Na Tranh, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được hỗ trợ 4,6 tấn phân bón hữu cơ. |
Nhờ tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển các hình thức KTTT, năm 2024, các cấp Hội đã hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 23 HTX (vượt 383% kế hoạch), 58 tổ hợp tác (vượt 527% kết hoạch), với 8.706 hội viên tham gia tổ hợp tác, HTX. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.540 mô hình HTX, tổ hợp tác với trên 22.500 thành viên tham gia do HND hỗ trợ thành lập.
Nhiều mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Điển hình như: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè của HTX Chè Hảo Đạt, chè Kim Thoa (TP. Thái Nguyên); HTX chè Khe Cốc, Tức Tranh; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông lâm sản của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Yên Đổ, HTX Nông nghiệp tổng hợp Việt Bắc, Phủ Lý (Phú Lương); chuỗi liên kết chế biến chăn nuôi ngựa bạch của HTX chăn nuôi ngựa bạch Dương Thành, HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú (Phú Bình)…
Từ những lợi thế về diện tích, nguồn nước, kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản sẵn có, năm 2022, 10 hộ dân xóm Bình Định, xã Kha Sơn (Phú Bình) được các cấp HND tuyên truyền, vận động thành lập tổ hợp tác nuôi cá. Sau khi thành lập tổ hợp tác, các hộ cũng được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 500 triệu đồng (50 triệu đồng/hộ) để đầu tư thức ăn, máy móc, trao đổi kinh nghiệm.
Ông Dương Văn Thảo, thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá chia sẻ: Tham gia tổ hợp tác, tôi không chỉ được vay tiền để chuyển đổi diện tích ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá mà còn được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi từ các giảng viên cũng như chính thành viên trong tổ hợp tác. Hiện gia đình có 1,2 mẫu ao, mỗi năm, tôi nuôi hai lứa được 2 tấn cá các loại, tiêu thụ dễ dàng, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng.
Chia sẻ về phương hướng phát triển KTTT trong nông nghiệp thời gian tới, ông Ngô Thế Hoàn, Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: HND tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên nhân rộng, phát triển các hình thức KTTT; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo quy định; khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh; tổ chức phát động phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp”; ký kết chương trình với Liên minh HTX tỉnh giai đoạn tiếp theo; hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển KTTT đề ra… Từ đó góp phần đưa sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đời sống của nông dân phát triển bền vững.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/ho-tro-nong-dan-tham-gia-kinh-te-tap-the-f04242f/