Đối thoại với doanh nghiệp (DN) từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các địa phương và sở, ngành chức năng, nhằm kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đã có nhiều vấn đề được giải đáp, tháo gỡ sau những buổi đối thoại; ngược lại, cũng có nội dung xử lý còn chậm, thậm chí chưa được giải quyết. Song về cơ bản, cộng đồng DN, doanh nhân đều cho rằng các cuộc đối thoại đã mang đến những hiệu quả tích cực và cần tiếp tục được duy trì.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tiếp xúc cử tri, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: T.L) |
Được lắng nghe, được giải quyết
Hàng chục nội dung muốn phản ánh, đề nghị quan tâm giải quyết hoặc đơn giản chỉ là muốn hỏi, muốn chia sẻ của DN gửi đến hội nghị đối thoại do các sở, ngành, địa phương tổ chức thời gian qua cho thấy, DN đã và đang có không ít, khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ, tháo gỡ. Tuy chưa có con số thống kê chính thức về kết quả giải quyết sau mỗi hội nghị đối thoại, nhưng theo đánh giá của nhiều DN, đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Đình Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đại Dương (TP. Phổ Yên), nói: Trước đó, hàng năm trời, tôi có hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đối với 2 thửa đất, đã nộp đủ thuế nhưng chưa được trả kết quả. Nhưng ngay sau hôm dự Hội nghị đối thoại do Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức (ngày 10-7 – P.V), tôi đã được địa phương gọi trả “bìa”. Một nội dung còn lại tôi ý kiến cũng liên quan đến đất đai, ang được địa phương “để tâm” hơn để giải quyết. Trước đó 2 năm, sau buổi đối thoại của tỉnh, cũng với sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, 3 ngày sau, DN của tôi đã được Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết xong nội dung kiến nghị.
Đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Phổ Yên: Ngoài các hội nghị đối thoại, trong quá trình giải quyết công việc hàng ngày, những khó khăn, vướng mắc của DN cần tháo gỡ đều được lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo giải quyết. Nếu vượt quá thẩm quyền thì sẽ tổng hợp, báo cáo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo… |
Còn theo ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội DN TP. Thái Nguyên: Từ ý kiến chỉ đạo của tỉnh, nhiều sở, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến việc lắng nghe, hỗ trợ cho DN.
Đơn cử như tại Hội nghị đối thoại của Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên được tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, với hơn 1.200 DN tham gia, cơ quan Thuế đã trả lời trực tiếp 21 nội dung. Các nội dung này sau đó còn được trả lời bằng văn bản, cùng với gần 20 nội dung khác chưa được trả lời trực tiếp. Điều này giúp cộng đồng DN hiểu đúng và rõ để thực hiện chính sách pháp luật về thuế được đầy đủ, đúng đắn hơn.
Kênh thông tin phản ánh quan trọng
Trong khi với DN là được phản ánh, thì với các cơ quan quản lý Nhà nước, những nội dung có được tại hội nghị đối thoại lại là kênh thông tin quan trọng, hữu ích để có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, cho biết: Ý kiến tại các hội nghị đã giúp chúng tôi hiểu hơn về thực trạng khó khăn của DN, cũng như nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của họ, để từ đó có các giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Sau các hội nghị đối thoại, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho khách hàng, cũng như thực hiện có trách nhiệm hơn đối với việc cơ cấu lại nợ cho những DN gặp khó khăn, đủ điều kiện. Tính đến hết tháng 7, trung bình lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm từ 1-2%/năm so với cuối năm 2022; gần 20 DN được cơ cấu lại nợ, với số dư nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đại diện ngân hàng trả lời kiến nghị của DN tại Hội nghị đối thoại với DN do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tổ chức cuối tháng 3/2023. |
Còn ông Trần Văn Hậu, Chánh Thanh tra tỉnh, thì cho rằng: Đây là một kênh thông tin quan trọng để chúng tôi nắm bắt được những điểm còn bất cập, hạn chế trong công tác thanh, kiểm tra. Từ đó, kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch cho phù hợp.
Cũng theo ông Hậu, sau hội nghị đối thoại của tỉnh, tiếp thu ý kiến, đề xuất của DN về việc phải tiếp nhiều đoàn thanh kiểm tra trong năm, không đúng tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra tỉnh đã và đang cho rà soát kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2023 của các đơn vị. Trên thực tế có phát hiện sự chồng chéo nên đơn vị đã đề nghị rà soát, xử lý ngay; cuộc nào nội dung thanh tra chưa thật sự cần thiết, sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch.
Ở một góc độ khác, theo đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Phổ Yên: Các hội nghị trao đổi, đối thoại với DN, đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; buộc mỗi người phải tự nâng cao hơn về trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Còn nhiều việc cần làm
Có thể khẳng định, hiệu quả đạt được sau đối thoại là rất lớn. Song trên thực tế, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời, thấu đáo khiến nhiều DN vẫn “khó chồng khó”.
Đại diện một số DN cho rằng, cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các cuộc đối thoại, vì trên thực tế, có lúc, có nơi, chất lượng đối thoại còn thấp. Sau mỗi buổi đối thoại, cần công khai những vấn đề DN phản ánh, ai hay cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết, thời hạn bao lâu và cần sử dụng kết quả này làm “thước đo” đánh giá năng lực của cán bộ công chức, năng lực cạnh tranh của sở, ngành, địa phương.
Dẫn chứng về thực tế này, đại diện một số DN đề cập: Từ nhiều năm nay, việc lập thông báo giá vật liệu xây dựng hàng tháng chưa bám sát thực tế giá trên thị trường, mà thường là thấp hơn khá nhiều, làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN; hay như việc nhiều vật tư, vật liệu, thiết bị công trình không có trong công bố giá theo tháng của cơ quan chức năng nên phải thực hiện thẩm định giá… Đây là vấn đề đã được nhiều DN phản ánh tại một số hội nghị đối thoại với các sở, ngành chức năng từ năm 2022, song đến nay vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế.
Có thể khẳng định, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã và đang rất nỗ lực để đồng hành với DN, doanh nhân trong quá trình hoạt động và phát triển, nhằm tạo động lực trong tăng trưởng, phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển, cũng như trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thì yêu cầu về sự đồng hành với cộng đồng DN càng trở nên cấp thiết. Thực tế cho thấy, chỉ khi mỗi công chức, viên chức nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của sự đồng hành thì những cuộc đối thoại, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền mới thực sự đạt được mục tiêu đề ra.