Mỗi sào đất ruộng trồng 2 vụ dưa lưới đạt doanh thu gần 100 triệu đồng/năm. Trước đó, diện tích này cấy 2 vụ lúa và trồng 1 vụ màu thì chỉ đạt 4 triệu đồng/năm. Đó là thực tế cách làm đang rất thành công của gia đình anh Hoàng Sỹ, ở xã Phượng Tiến (Định Hóa).
Những trái dưa lưới cuối vụ được gia đình anh Hoàng Sỹ thu hoạch, chuyển cho đơn vị thu gom tại vườn. |
Sau khi thực hiện những đơn hàng cuối cùng cho một siêu thị chuyên bán hoa quả sạch tại Hà Nội, gia đình anh Hoàng Sỹ lại tất bật chuẩn bị cho vụ trồng dưa lưới mới.
Anh Sỹ chia sẻ: Từ 3 năm nay, mỗi năm, gia đình tôi luân canh 3 vụ trên diện tích hơn 4 sào ruộng, gồm 2 vụ dưa lưới và trồng gối thêm 1 vụ dưa chuột. Theo đó, bình quân mỗi năm thu được trên 500 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí sản xuất thì mức thu nhập đạt trên 80 triệu đồng/năm.
Bắt tay vào trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2020, gia đình anh Sỹ tập trung chuyên canh và sản xuất theo đơn đặt hàng. Sản phẩm thu hoạch đến đâu, doanh nghiệp trực tiếp đến thu gom, đóng hộp và vận chuyển ngay tại ruộng. Mỗi vụ, khi đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp trực tiếp lấy mẫu và đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm các chỉ số về an toàn thực phẩm. Đồng thời, độ đường phải đạt không dưới 14% và hình thức, mẫu mã quả phải đều, không biến dạng và tối thiểu phải đủ 800 gam/quả…
Kể về quá trình khởi nghiệp, anh Sỹ nhớ lại: Sau nhiều khóa tập huấn và đi thực tế tại một số nhà vườn thuộc các tỉnh phía Nam, tôi đã quyết tâm làm theo. Yêu cầu khó nhất khi trồng dưa lưới phân phối cho doanh nghiệp là phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, tôi đã đầu tư trên 800 triệu đồng thiết kế hệ thống nhà lưới chống mưa, chống nắng và côn trùng xâm nhập. Đặc biệt, hệ thống nước tưới tự động phải sử dụng nguồn nước giếng khoan đủ iêu chuẩn. Mỗi năm, tôi phải kiểm nghiệm lại chất lượng của đất, phân bón… đủ các yêu cầu về kỹ thuật mới được thực hiện hợp đồng sản xuất.
Đầu tư lớn song vụ dưa đầu tiên, gia đình anh Sỹ chỉ bán được 60% sản lượng. Nguyên nhân là do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nên quả không đều và không đủ độ ngọt… Bên cạnh đó, quá trình thu hoạch không đúng kỹ thuật, vỏ bị xước, để chất đống, dẫn đến nhiều quả bị ép mềm, khô héo…
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Sỹ trực tiếp mang dưa đến các chuỗi cửa hàng hoa quả sạch và chào hàng theo tư vấn của đơn vị cung cấp giống. Gần 1 tháng chạy xe máy khắp Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để giới thiệu sản phẩm kèm theo chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, cuối cùng, anh cũng đã nhận được sự hợp tác từ các doanh nghiệp. Từ sự hợp tác này, các doanh nghiệp cũng đưa ra yêu cầu và hướng dẫn anh cách chăm sóc, thu hoạch để quả đạt tiêu chuẩn.
Trao đổi với chúng tôi về việc mở rông quy mô, khai thác tiềm năng đất miền núi, anh Sỹ cho rằng: Khó nhất là các doanh nghiệp cần số lượng lớn, đồng bộ và kéo rải vụ. Nhưng đặc thù khi hậu ở miền núi chỉ đáp ứng được 2 vụ tập trung. Một nhược điểm nữa là số vốn đầu tư ban đầu cho mô hình trồng dưa lưới khá lớn so với điều kiện kinh tế ở khu vực nông thôn, miền núi; tư duy sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân còn chưa mạnh dạn; đồng đất manh mún; sự hợp tác (dồn điền, đổi thửa) trong sản xuất chưa chặt chẽ, dễ vỡ hợp đồng… Vì vậy, để nhân rộng mô hình vẫn là bài toán cần tính toán kỹ lưỡng.