Nam phiêu diêu trong tiếng nhạc Trịnh du dương, êm ái. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang, Nam liếc nhìn màn hình, thờ ơ bấm nút đỏ. Chưa đầy 10 giây, màn hình lại sáng, Nam chuyển sang chế độ máy bay. Anh điều chỉnh volum cho nhạc to hơn, mắt lim dim. Nhưng anh không thể nào quay lại trạng thái ban đầu. Hình ảnh mẹ già thoáng gần thoáng xa, khi rõ nét, lúc lại mờ nhạt.
Nam nhắm nghiền mắt, đầu lắc lắc như cố xua đuổi những suy nghĩ vẫn vơ ra khỏi tâm trí nhưng vẫn không thể nhập hồn vào âm nhạc, dù cả không gian tràn ngập những lời ca da diết “Bao nhiêu năm rồi còn mãi đi đâu/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”
Nam đành tắt nhạc, nằm thuột luột trên sôpha, vẻ bực dọc. Kể từ ngày bố anh mất, đã hơn 2 năm, anh chưa một lần về quê cũng không gọi điện hỏi thăm mẹ. Anh giận. Anh hận sau cái lần quỳ gối van xin bố mẹ bán mảnh đất để anh lấy vốn làm ăn, nhưng họ lạnh lùng không đồng ý. Anh khoác ba lô rời nhà ngay trong đêm, nước mắt lăn vào khóe miệng mặn chát. Đó là lần cuối cùng anh khóc. Anh thề, sau này bố mẹ có cho đất, anh cũng không thèm nhận.
Ngày về chịu tang cha, mắt anh ráo hoảnh. Lo liệu xong hậu sự cho cha, mẹ muốn anh ở lại quê làm ăn, có người ra người vào cho ấm nhà. Anh không nói nửa lời, chỉ cười nhẹ, rồi cũng bắt xe đi ngay tối hôm đó, mặc mẹ khóc sụt sùi.
Gần 3 năm qua, anh sống không vướng bận. Thằng em đi lao động xuất khẩu, một năm, hai anh em cũng chỉ gọi điện cho nhau 2-3 lần. Họ hàng dưới quê, lâu không qua lại, cũng thành xa lạ, tình cảm nhạt nhẽo. Lâu lắm rồi, nay dì Hương mới gọi điện, anh không muốn nghe, đã từng không nghe và từng thấy thoải mái, nhưng sao nay lại cảm thấy khó chịu.
***
– Bố ơi tha cho con! Con không làm mất chìa khóa. Con không ăn quả trứng gà ở trên ổ. Con đau lắm, tha cho con được không! Con xin lỗi bố! – Nam vừa khóc vừa van xin.
– Tha cái thằng bố mày… đét… đét… bụp… bụp… Mày tưởng ông đi kiếm đồng tiền dễ lắm à mà còn làm ông tức. Phá cửa ra, mai mày không kiếm đủ tiền mua ổ khóa khác thì đừng trách ông ác… Mày còn ăn cắp cả trứng gà của ông nữa. Láo thật!
Thằng Bảo, em trai Nam đứng lấp ló ở góc hiên, khúm lúm ngước đôi mắt sợ hãi nhìn bố đánh anh tóe cả máu chân. Mỗi lần ông Chiến vung roi, nó lại quay đi, mắt nhắm nghiền, người co rúm lại. Thương anh quá, nó lẩy bẩy đi ra gần ông Chiến, lắp bắp nhận lỗi:
– Bố ơi… bố ơi… không phải… không phải anh Nam làm mất chìa khóa mà là… con ạ! Trong lúc đi câu cá… con đã đánh rơi xuống ao!
Một cái bạt tai như trời giáng ngang mặt Bảo khiến hoa cà, hoa sói nở lốp bốp, Bảo ngồi thụp xuống ôm đầu. Nam lao vào ôm choàng lấy em, cả hai cùng khóc nức nở.
Đúng lúc đó, bà Hợi đi chợ về. Bà hất hàn về phía chồng, hỏi:
– Hai thằng giặc này lại gây ra chuyện gì. Không ngày nào được yên thân với chúng.
Được thể, ông Chiến lại thét lên:
– Lũ khốn này nuôi tốn cơm, vô dụng. Nay cho chúng nó ăn bát c…
Chưa hiểu sự tình, nhưng bà Hợi cũng dí dí nắm đấm vào hai thằng con. Nam sợ hãi, nói trong tiếng nấc:
– Con xin bố mẹ tha cho tụi con, lần sau chúng con không dám thế nữa.
– Không tha… – Tiếng ông Chiến rít lên.
Nam vùng dậy, người vã vợi mồ hôi, thì ra chỉ là ác mộng.
Đúng lúc đó, vợ Nam tất tả từ bếp lên, gọi eo éo:
– Anh Nam ơi, anh Nam! Sao anh lại tắt máy, dì Hương vừa gọi cho em!
Thấy chồng ngồi bần thần, khắp mặt lấm tấm mồ hồi, Lan dịu giọng:
– Anh gặp ác mộng hay sao? – Lan vừa trấn tĩnh chồng vừa lấy khăn giấy nhẹ nhàng thấm những giọt mồ hôi trên chán cho Nam. Nam không nhìn điện thoại, khẽ đưa tay gạt ra khỏi tầm mắt rồi nói như nhả từng chữ:
– Không nghe! Bảo bà ấy đừng bao giờ gọi cho anh nữa!
Lan ngồi ghé bên chồng, mặt xịu xuống, như đã cân nhắc kỹ, giọng Lan nhỏ nhẹ, từ tốn:
– Bao năm rồi, anh vẫn còn giận mẹ hay sao? Anh có thể quay lưng với cả thế giới nhưng không thể mãi quay lưng với mẹ của mình. Nếu không có mẹ, anh cũng không có cuộc sống này, không có em và các con. Ngày trước, bố mẹ có thể khắt khe, cay nghiệt với các con, nhưng tất cả cũng là mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho anh và em Bảo. Giờ em cũng là mẹ, em hiểu sâu sắc hơn điều đó. Chẳng nhẽ, anh muốn sau này, các con chúng ta cũng đối xử với chúng ta như vậy hay sao?!
Thấy chồng không phản ứng gì, Lan được thể nói luôn:
– Dì Hương gọi điện bảo, mảnh đất dưới quê giờ có đường liên xã chạy qua, có người tới trả hơn 5 tỷ đồng. Mẹ muốn gọi anh và chú Bảo về bàn bạc, bán hay không để mẹ còn liệu. Chú Bảo đang ở Nhật chẳng nói làm gì, đằng này anh còn không nghe máy. Hai anh em định cắt đứt tình cảm với mẹ, với họ hàng dưới quê thật hay sao? Chẳng nhẽ anh muốn trở thành người cha ích kỷ, cố chấp, tuyệt tình, bất hiếu… Anh sẽ trở thành tấm gương như thế nào cho các con soi vào?
Những gì vợ nói, Nam nghe không thiếu một câu, nhưng thái độ lại tỏ ra thờ ơ, lơ đễnh. Anh đứng dậy vào toa-let rửa mặt mũi cho tỉnh táo, vừa đi vừa nói bâng quơ:
– Ai đã làm gì mà tuyệt tình, mà bất hiếu… Những ngày thằng Nam này nằm co ro nơi bến xe, không một xu dính túi, phải bán cả máu của mình để sinh tồn thì cha ở đâu, mẹ ở đâu? Họ quyết giữ mảnh đất vàng đất bạc mà hắt hủi, sỉ nhục đứa con này, thì nay cứ giữ lấy, giữ cho chặt vào…
– Mẹ có giữ đất rồi sau cũng vẫn là để cho 2 anh em anh còn gì. Nếu ngày đó bố mẹ đồng ý bán đất, đưa tiền cho anh, thì chắc gì anh đã thành đạt như hôm nay. Có lẽ bài học gian khổ mới là bài học đắt giá nhất để 2 anh em anh tôi luyện thành người đó anh ạ!
Nam nói dứt khoát:
– Anh cấm em lần sau nhắc tới chuyện này. Nếu không nghe đừng trách anh vô tình.
***
Nửa tháng giận nhau, bỗng một ngày, Nam mở lời trước:
– Mai em xin nghỉ, vợ chồng mình đưa các con về quê thăm bà nội nhé!
Lan không trả lời mà cười hiền, gương mặt bừng lên rạng rỡ. Có lẽ hôm nay, Lan mới cảm nhận được hạnh phúc một cách trọn vẹn nhất!
“… Làm sao em biết sỏi đá không đau/ Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” – tiếng hát khiến trái tim Nam đập mạnh, có cái gì đó như sự day dứt, hối hận len lỏi vào tận sâu ngóc ngách tâm hồn. Có lẽ Trịnh Công Sơn nói đúng “sỏi đá cũng cần có nhau”, vậy tại sao Nam là con người mà lại không cần mẹ?
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202504/hanh-phuc-tron-ven-32e15b2/