Thi thoảng bà Đỗ Hồng Phấn lặng đi nghĩ về những đòn tra tấn mà mình phải gánh chịu.
Khi ấy, báo chí Hà Nội đăng tải câu chuyện của bà, dấy lên làn sóng phản đối lớn trong phong trào học sinh kháng chiến. Hành động cắt tay tự sát của nữ sinh trẻ gây chấn động. Thành đoàn Hà Nội liên tiếp tổ chức những cuộc đấu tranh đòi chống lại đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp.
Ngày 21/1/1951, sau nhiều lần gia đình bà được gọi lên ký cam kết con không tiếp tục hoạt động phong trào, bà được trả tự do vì chưa đủ 18 tuổi.
Trong suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần tôi xin bà kể thêm những câu chuyện đấu tranh trong nhà tù Hỏa Lò, bà chỉ nhoẻn miệng cười bảo, những gì bà cắn răng chịu đựng và hy sinh vài tháng, có là gì so với những gian lao, đau đớn mà các chiến sĩ của ta trải qua mỗi ngày.
Bốn nữ sinh hát bài “Trường ca Sông Lô” của nhạc sỹ Văn Cao tại Nhà hát Lớn năm 1950, bà Đỗ Hồng Phấn đứng ngoài cùng bên trái. (Ảnh: TTXVN)
Năm 1952, bà được hệ thống giao liên của Cục Kháng chiến lén đưa ra vùng tự do. Thời gian này, tổ chức chọn bà là một trong những thành viên trong đoàn đại biểu trẻ ở vùng tạm chiếm tham gia Hội nghị Quốc tế Thanh niên tại Rumani. Được giao lưu, gặp gỡ các sinh viên quốc tế, được nghe đại diện sinh viên Việt Nam nói về cuộc chiến tranh ở nước thuộc địa, bà càng có thêm lòng yêu nước và thấu hiểu nỗi gian khổ của đồng bào, chiến sĩ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva được ký, Trung ương Đoàn gọi đoàn thanh niên về Đại Từ, Thái Nguyên để chuẩn bị tham gia tiếp quản Hà Nội. Đoàn học sinh, sinh viên ngày ấy được chỉnh huấn rất kỹ về nhiệm vụ, thái độ khi trở về Thủ đô.
Hai ngày trước ngày tiếp quản Thủ đô, đoàn học sinh, sinh viên đã về tới đất Hà Nội. Từ Đại Từ (Thái Nguyên), đoàn xe đi vòng từ Phú Thọ, qua sông Thao, sang Hưng Hóa, rồi về tập trung ở Thường Tín.
Sớm 10/10, Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Mẹ và anh em ruột thịt, họ hàng đang chờ sẵn quê nhà. Hai năm ra vùng tự do, được sang Rumani dự hội nghị, lần này trở về, bà Phấn biết Hà Nội đã khác xưa rất nhiều. Tinh thần tự do, khiến cô nữ sinh trong lòng đầy hân hoan.
Nhìn xa xăm, bà bồi hồi nhớ lại khung cảnh khi ấy: “Chúng tôi ngồi trên xe, vẫy tay không ngừng. Đoàn xe chúng tôi đi chợ Bạch Mai, chợ Mơ lên, sau đó đi tiếp các phố Hàng Gai, Hàng Bông, Cửa Nam, lên đến Cột Cờ. Chung quanh, không khí vui sướng, hân hoan đến nghẹt thở khi nhìn thấy dòng người mang cờ, hoa vẫy, dúi tặng cho nhau. Toàn bộ quãng đường từ đầu Tràng Tiền lên đến bến tàu điện, đến đầu Hàng Đào, các học sinh, sinh viên túm tụm lại, đàn, hát cùng nhau, hỏi han nhau, rộn ràng cả góc phố”.
Điểm tập trung của đoàn thanh niên tại khu vực bến Đồn Thủy (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bây giờ). Trưởng đoàn tuyên bố, ai có nhà Hà Nội thì được về. Tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi, bà chạy nhanh về nhà ở Hàng Bông ghé thăm ba mẹ và người thân ít ngày rồi tiếp tục trở về tiếp tục tham gia các phong trào của trường học.
Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ ‘Quyết chiến, quyết thắng’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Trung ương Đoàn phân công đoàn thanh niên làm các công tác liên quan đến trường học. “Chúng tôi góp phần giúp Bộ Giáo dục và đào tạo triển khai hoạt động tiếp quản trường học, khôi phục hoạt động của nhà trường, tổ chức hoạt động đoàn thể, văn nghệ. Các đội thanh niên được chia về các khu phố vừa tham gia quét dọn vệ sinh, tổ chức dạy hát cho thiếu nhi, thăm hỏi các gia đình”, bà Phấn kể.
Sau khi học hết tú tài, bà theo học Đại học Bách Khoa, chuyên ngành thủy lợi. Sau này, bà Phấn về công tác tại Bộ Thủy lợi, trước khi nghỉ hưu bà là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thủy lợi (nay là Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Sau bao năm cùng các thế hệ thanh niên đóng góp một phần sức nhỏ bé tái thiết lại Hà Nội, bà cũng đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho ngành thủy lợi Việt Nam. Bà là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu cho các dự án liên quan đến sông Mê kông.
Bà Đỗ Hồng Phấn bồi hồi nhớ lại những ngày tháng lịch sử 70 năm về trước.
Vào những ngày tháng 10 hàng năm, với các học sinh, sinh viên trong phong trào kháng chiến thuở ấy luôn đầy niềm xúc động sâu sắc. Vài năm nay, sau dịch Covid-19, bà Đỗ Hồng Phấn ít gặp lại bạn bè vì người còn, người mất, người thay số liên lạc. Trong một năm chẵn đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, ở tuổi hy hữu xưa nay hiếm, bà tâm sự, chưa biết sẽ còn gặp lại được những ai để cùng nhau ôn lại một thời lịch sử hào hùng. Ngỏ ý muốn lưu lại hình ảnh vết thương ngày ấy, bà gạt đi: “Thời ấy, nếu ai là tôi cũng làm như vậy, có gì để chụp lại đâu”.
Ở tuổi 91, sự mẫn tiệp, cương nghị ấy càng khiến những người trẻ như chúng tôi có thêm bài học sống về sự tận hiến và kiên định với lý tưởng cách mạng.
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/nu-sinh-khang-chien/index.html