Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 16-8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam biến động trái chiều. Theo đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm 5 USD/tấn, xuống còn 623 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm lại tăng 5 USD/tấn, lên mức 603 USD/tấn.
Giá các sản phẩm chế biến từ gạo tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) vẫn giữ ở mức ổn định. |
Trên thị trường gạo nội địa, giá các loại gạo bán lẻ duy trì ổn định. Theo đó, gạo trắng thường ở mức 15.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài 18.000-20.000 đồng/kg; nếp ruột ở mức 15.000-17.000 đồng/kg; gạo Jasmine thơm 17.000-18.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg.
Khảo sát của phóng viên tại siêu thị Tomita (phố Nguyễn Thị Thập, quận Thanh Xuân) cho thấy, giá hầu hết các loại gạo ổn định, cụ thể: Gạo ST 25 đặc sản Sóc Trăng có giá 205.000 đồng/túi 5 kg; gạo ST 25 đặc sản Sóc Trăng lúa tôm 220.000 đồng/túi 5kg; gạo ST 25 hữu cơ 200.000 đồng/túi 5kg; gạo thơm RVT 150.000 đồng/túi 5kg; gạo Bảo Minh giống Nhật 165.000 đồng/túi 5kg…
Chị Lê Thị Hảo, nhân viên siêu thị Tomita cho biết, giá các loại gạo tại siêu thị đều giữ nguyên không tăng giá, chỉ riêng gạo tám Thái con cò tăng 10.000 đồng, lên 180.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, trước tình hình giá gạo trong nước những ngày trước đó tăng mạnh, dao động từ 10% so với đầu tháng 8/2023, đã tác động trực tiếp đến các sản phẩm được chế biến từ gạo như bún, phở, mì…
Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá các loại bún, phở, mì tươi và khô… đã đồng loạt tăng từ 5-10%.
Cụ thể, tại chợ dân sinh Nam Trung Yên, Trung Hòa (quận Cầu Giấy), chợ Thành Công (quận Ba Đình)… từ hơn một tuần nay, giá bún tươi đã tăng từ 10.000 đồng/kg lên 12.000-13.000 đồng/kg; bánh phở tươi từ 12.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg; bánh cuốn từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg…
Bà Nguyễn Thị Minh – tiểu thương bán bún, phở tại chợ dân sinh Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân) cho biết, giá các mặt hàng được chế biến từ gạo đã tăng nửa tháng nay sau khi gạo tăng từ hồi đầu tháng 8/2023.
Theo Bộ Công Thương, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, UAE, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức giá cao nhất 12 năm qua. Giá lúa cũng tăng mỗi ngày. Số liệu báo cáo thống kê cũng cho thấy, sản lượng xuất khẩu 7 tháng đạt 4,83 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu là 2,58 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng này tăng gần 19%, trị giá tăng gần 30%. Điều đó cho thấy, giá của gạo tương đối cao so với các năm.
Ông Lê Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nhận định, đối với những doanh nghiệp có sẵn nguồn hàng, chưa ký hợp đồng xuất khẩu thì đây là cơ hội vàng. Những hợp tác xã, nông dân có sẵn nguồn hàng chưa tiêu thụ, đang còn lúa trên ruộng cũng là cơ hội tốt. Ở chiều ngược lại, với những doanh nghiệp đã ký hợp đồng đầu ra với số lượng lớn sẽ phải chịu sức ép mua hàng với mức giá cao. Vì vậy, Hapro chủ trương phải có sẵn nguồn hàng mới bán để tránh tổn thất kinh tế.
Trước đó, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo, ngày 15-8, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước giai đoạn hiện nay.
Trong đó, Bộ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.