Phú Lương hiện là địa phương có diện tích rừng được cấp chứng FSC lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, với trên 7.800ha. Đây được xem là “giấy thông hành” để các sản phẩm từ rừng của huyện tiếp cận được thị trường Mỹ và các nước châu Âu.
Cán bộ Kiểm lâm huyện Phú Lương tư vấn cơ sở chế biến phụ phẩm từ gỗ bóc làm viên nén mùn cưa tại xã Yên Ninh. |
Trên địa bàn huyện Phú Lương có 16.700ha rừng, chiếm 48% tổng diện tích tự nhiên, trong đó rừng sản xuất trên 14.200ha, còn lại là rừng phòng hộ, tập trung tại các xã: Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Động Đạt…
Trung bình mỗi năm, toàn huyện trồng khoảng 500ha và khai thác 350ha rừng trồng, với trên 50.000m³ gỗ. Riêng năm 2024, huyện trồng mới trên 623ha rừng sản xuất, vượt 24% chỉ tiêu kế hoạch giá trị kinh tế rừng (đạt gần 220 tỷ đồng).
Nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, Phú Lương đã phối hợp với Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (SGS) triển khai đến các xã có diện tích rừng tập trung lớn; hướng dẫn các hộ hoàn thiện tiêu chí, hồ sơ, mời chuyên gia đánh giá cấp chứng chỉ rừng.
Để rừng trở thành nguồn sinh kế bền vững của người dân, huyện Phú Lương chấp thuận chủ trương đầu tư, hợp tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council) – một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thành lập năm 1993, với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới trên.
Sản xuất lâm nghiệp không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không đốt thực bì, hạn chế cháy rừng và ô nhiễm môi trường là các giá trị từ việc trồng rừng theo tiêu chuẩn của chứng chỉ FSC mang lại.
Trong quá trình xây dựng, nhóm FSC xác định cần phải tôn trọng các quyền truyền thống của người dân địa phương. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch chi tiết: Phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển nguồn tài nguyên dịch vụ hệ sinh thái…
Nhiều hộ tại xã Động Đạt (Phú Lương) áp dụng sản xuất sạch, thu gom sản phẩm phụ từ gỗ bóc phục vụ sản xuất than không khói. |
Động Đạt là một trong những xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn của Phú Lương, với trên 1.700ha, trong đó trên 1.400ha rừng sản xuất. Những năm qua, xã đã khuyến khích người dân đầu tư trồng rừng kết hợp chăn nuôi các loại gia súc, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo và nâng cao giá trị kinh tế.
Bí thư Đảng ủy xã Động Đạt Trần Thế Sơn chia sẻ: Trước năm 2021, mỗi héc-ta rừng sản xuất đến chu kỳ khai thác bình quân thu nhập đạt 7 triệu đồng/năm, nay đạt chứng chỉ FSC, giá trị nâng lên trên 11 triệu đồng/năm. Giá trị lớn nhất chính là sản phẩm gỗ nguyên liệu có chứng nhận rõ nguồn gốc, quy trình thâm canh, chất liệu đất, giống cây… nên người dân không lo đầu ra. Các phụ phẩm cũng theo đó được đưa vào chế biến sâu ngay tại địa phương và trực tiếp xuất đi theo đơn hàng do doanh nghiệp xuất khẩu truy xuất chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Lương, cho biết: Theo đánh giá của các chuyên gia và đơn vị tư vấn phát triển rừng bền vững, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt giá trị kinh tế cao hơn 20-30% so với thông thường. Hiện nay, huyện có trên 170 cơ sở chế biến lâm sản từ nguồn nguyên liệu gỗ khai thác rừng trồng sản xuất. Nếu như thực hiện tốt quy trình sản xuất sạch, chế biến sâu và bảo đảm tiêu chí về FSC thì toàn bộ gỗ bóc, lá, rễ, vỏ cây đều được làm thành sản phẩm hàng hóa khác, như than ống không khói, viên nén mùn cưa… phục vụ các ngành công nghiệp về nhiệt và có giá trị xuất khẩu cao. Hiện nay, giá trị mỗi cây gỗ sau chu kỳ trồng, chăm sóc và đủ điều kiện khai thác, qua chế biến sâu cho thu nhập tăng gần 1,6 lần so với chế biến gỗ bóc ván thuần túy trước đây.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/dua-lam-san-phu-luong-vuon-xa-4182d0f/