Bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất. Qua đó góp phần khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế trên địa bàn.
Giống lúa lai 3 dòng SYN8 được gieo cấy thử nghiệm tại xã An Khánh (Đại Từ) đạt năng suất bình quân 75 tạ/ha, chất lượng gạo tốt, cơm ngon, vị đậm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Từ những mô hình điểm
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ (KHCN) vào sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị kinh tế và đời sống của người dân. Trong đó, nhiều mô hình điểm có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh…
Một trong những mô hình ứng dụng KHCN khá hiệu quả là gieo cấy thử nghiệm giống lúa lai 3 dòng mới (SYN 8, SYN 18) do Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản tỉnh phối hợp với Công ty Syngenta Việt Nam triển khai. Được thực hiện trong vụ mùa vừa qua tại xã An Khánh (Đại Từ), mô hình đã thành công ngoài sự mong đợi, với năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha, chất lượng gạo tốt, cơm ngon, vị đậm.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Lúa lai 3 dòng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Thái Nguyên, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đạo ôn và đốm sọc vi khuẩn. Chúng tôi sẽ tham mưu đưa giống lúa này vào cơ cấu giống khuyến khích sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là ở trà xuân muộn và mùa sớm.
Ngoài dẫn chứng nêu trên, nhiều mô hình sản xuất thử giống ngô, lúa mới khác cũng được bà con đánh giá cao khi cho năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt, được khuyến cáo nhân ra diện rộng.
Cùng với các mô hình thử nghiệp sản xuất giống ngô, lúa mới, ngành Nông nghiệp còn triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm được lai từ lợn nái VCN15 (Landrace), VCN16 (Yorkshire) với lợn đực giống Duroc tại Thái Nguyên.
Với thời gian triển khai 3 năm, Dự án có quy mô 100 con lợn nái bố mẹ (50 con PS1, 50 con PS2), 5 con đực Duroc cho lai tạo để tạo ra đời con thương phẩm 3 máu có năng suất, chất lượng cao. Nhập về từ tháng 9-2023, đến nay, đàn lợn phát triển tốt, khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh. Hiện đã cho 2 lứa lợn thương phẩm với trên 2.460 con…
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, nói: Chuyển giao tiến bộ KHCN vào chăn nuôi là việc làm thường xuyên, hằng năm của chúng tôi. Năm 2024, trên địa bàn đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý môi trường thông qua việc hỗ trợ 30 mô hình đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi trong chăn nuôi lợn, gà cho các hộ dân…
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, Ngành đã triển khai 24 dự án, mô hình thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Các đại biểu tham quan, đánh giá mô hình trồng giống ngô lai mới tại xã Động Đạt (Phú Lương). Ảnh: T.L |
Đến những kết quả đáng ghi nhận
Từ việc chuyển giao KHCN, nhiều mô hình ứng dụng, thử nghiệm, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua đó xác định được các loại cây, con giống hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng vùng, góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất và thu nhập cho người dân.
Cụ thể, đến nay, Thái Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh đối với các cây trồng chính, chủ lực, thế mạnh như: Chè, lúa, rau, hoa, cây ăn quả… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khoa học – kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích sử dụng nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động; kỹ thuật canh tác giá thể; công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất hữu cơ… Qua đó góp phần nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2024 lên 131 triệu đồng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Công ty TNHH Dũng Tân đã nhập trên 100 con lợn đen bản địa để chăn nuôi thử nghiệm, theo mô hình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên. |
Sản xuất chăn nuôi phát triển theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi trang trại tăng dần cả về số lượng và quy mô khi đang dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ với việc áp dụng phương thức tiên tiến, đồng bộ. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng đàn vật nuôi được cải thiện rõ rệt, hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.255 trang trại chăn nuôi tập trung, chiếm 50% tổng đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lai năng suất, chất lượng đạt 76% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 68% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 87% tổng đàn…
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục tăng cường đầu tư, xã hội hóa hoạt động nghiên cứu KHCN trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng. Đồng thời áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/dua-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep-98908fd/