Thượng Nung là một xã phía Bắc của huyện Võ Nhai, có tổng diện tích tự nhiên trên 4,2 nghìn héc-ta. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo vùng cao nơi đây đã có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên…
Trung bình mỗi năm, xã Thượng Nung đạt sản lượng lương thực có hạt trên 1,6 nghìn tấn. Trong ảnh: Nông dân xóm Tân Thành chăm sóc cây ngô. |
Xã Thượng Nung có 7 xóm với gần 520 hộ, trên 2,6 nghìn khẩu, trong đó trên 90% là người dân tộc thiểu số. Vài năm trước, Thượng Nung được biết đến là vùng đặc biệt khó khăn do địa hình chia cắt, đường xá đi lại không thuận lợi, người dân thiếu sinh kế, điều kiện học tập của trẻ em chưa đảm bảo, nhiều nơi chưa có điện lưới quốc gia…
Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Đứng trước những khó khăn đó, UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, trong đó chú trọng phát triển kinh tế, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xã đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường hỗ trợ người nghèo chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế, vốn phát triển sản xuất, vay vốn ưu đãi, xóa nhà tạm…; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, Thượng Nung cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh ở vật nuôi; phối hợp nắm tình hình, quản lý địa bàn, đảm bảo an ninh trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, những năm gần đây, xã vùng cao Thượng Nung đã có nhiều thay đổi tích cực.
Tính đến nay, Thượng Nung có 100% người nghèo được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo, 98% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 1,6 nghìn tấn/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm từ 3-5%/năm; tổng đàn trâu bò đạt gần 1,1 nghìn con, tổng đàn lợn đạt 1,5 nghìn con…
Một giờ học tại Trường THCS bán trú Thượng Nung. |
Trong 5 năm gần đây, xã huy động được trên 11,2 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng (chưa tính ngày công, tài sản trên đất và giá trị đất hiến) để xây dựng hàng loạt công trình như: Xây mới và sửa chữa 3 trường học, 1 trạm y tế xã; 1 đập chứa nước và 1 trạm bơm, 2,5 km kênh mương, bê tông hóa được gần 11km đường giao thông nông thôn…
Riêng năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, xã đã tiếp nhận và phối hợp với các đơn vị xây dựng các công trình như: Cầu tràn Co Vầy với số tiền gần 1,4 tỷ đồng; nâng cấp trạm bơm Tân Thành với số tiền gần 800 triệu đồng; nâng cấp, sửa chữa công trình nước sinh hoạt Lũng Nhù, Trung Thành với số tiền trên 900 triệu đồng…
Vì vậy, diện mạo nông thôn ở Thượng Nung những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Ngay cả ở vùng “tam lũng”, gồm 3 xóm đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống: Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài, sự thay đổi cũng rõ nét.
Ông Ma Hành Du, Trưởng xóm Lũng Cà, cho biết: Năm 2015, vùng “tam lũng” được Nhà nước đầu tư 7,5km đường bê tông từ trục đường chính của xã về các xóm: Lũng Cà, Lũng Hoài và Lũng Luông. Để xây dựng tuyến đường này, 35 hộ dân có tuyến đường đi qua đã hiến trên 1ha đất. Tiếp theo tuyến đường là trường học, điện lưới quốc gia, sinh kế, vốn vay ưu đãi… nối tiếp về “tam lũng” đã giúp đời sống bà con nơi đây ngày một đổi thay.
Còn ông Lý Văn Sinh ở xóm Lũng Hoài thì chia sẻ: Từ năm 2017, với sự hỗ trợ vốn, giống cỏ, gia đình tôi trồng được 6 sào cỏ voi và đầu tư nuôi vỗ béo mỗi lứa từ 5-7 con bò. Mỗi năm, từ đàn bò, gia đình có thu nhập trên 50 triệu đồng…
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng Thượng Nung vẫn còn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội bởi đặc thù địa hình chia cắt; người dân sống phân tán, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng còn hạn chế.
Bà Lương Thị Mỹ Chải cho biết thêm: Ngoài nội lực của hệ thống chính trị và người dân, chúng tôi rất cần sự quan tâm hơn nữa của huyện, của tỉnh để địa phương phát triển.