Sau ngày 1/12/2024, hai cái tên Vạn Thọ, Ký Phú chỉ còn là kỷ niệm đẹp trong lòng người dân hai địa phương nói riêng và huyện Đại Từ nói chung. Nhưng tất thảy người dân có quyền tự hào về một thời gian khó, họ đã đoàn kết vượt qua để chung sức, chung lòng xây dựng 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nay, Vạn Phú được bồi xây bởi sức mạnh của “gốc rễ” vững chắc, hy vọng sẽ tiếp tục bay cao bởi “đôi cánh” trường sinh.
Một góc Khu dân cư Vạn Phú, xã Vạn Phú (Đại Từ). Ảnh: T.L |
Mỗi lần đến xã Vạn Thọ, Ký Phú, tôi không thể nào quên kỷ niệm một thời chật vật với con “ngựa sắt” trên những đoạn đường lầy thụt, trơn trượt vào mùa mưa, khói bụi vào mùa khô. Có lần từ cơ sở trở về trong cơn mưa chiều, con “ngựa sắt” không tuân thủ theo sự điều khiển của “chủ nhân” đã đổ gục xuống mặt đường nhớp nhúa bùn đất. Khi đó, tôi tủi thân một thì thương người dân những địa phương này mười bởi hằng ngày họ phải đi lại, thông thương hàng hóa trên con đường xuống cấp nghiêm trọng như vậy…
Nay, trở lại Vạn Thọ, Ký Phú, ký ức ùa về khiến chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn những đổi thay của hiện tại. Cho xe chạy chậm trên con đường thênh thang láng nhựa phẳng lỳ, chúng tôi thả hồn theo gió, mây của tiết Thu dịu nhẹ, ngắm bình minh mang theo nắng sớm nhuộm thắm những nương chè, bãi ngô, vườn cây ăn quả… Trong sắc Thu trong veo, tầm mắt có thể phóng xa, bao quát cả một vùng rộng lớn nơi có những cánh rừng ngát xanh như xa tít tận chân trời; nơi dãy núi Tam Đảo sừng sững như bức tường thành chở che cho muôn dân làm ăn, sản xuất. Ven đường hoa lá đua chen khoe sắc thắm, bướm ong rập rờn bay lượn tạo nên bức tranh quê thanh bình, mộc mạc, giản dị, nhưng đẹp đến nao lòng…
Ngày 1/12/2024 – dấu mốc này sẽ đi vào lịch sử huyện Đại Từ khi Nghị quyết số 1240/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023-2025 chính thức có hiệu lực. Xã Vạn Phú được hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 2 xã Vạn Thọ và Ký Phú, với tổng diện tích tự nhiên gần 27km2, quy mô dân số trên 13.000 người.
Vẫn biết rằng cuộc sống là luôn luôn vận động và phát triển phù hợp quy luật phát triển của đất nước, của thời đại, nhưng lòng người dân nơi đây vẫn không khỏi bâng khuâng, dâng trào cảm xúc cảm, có chút man mác, tiếc nuối, bởi cái tên Vạn Thọ – Ký Phú đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân nơi đây, chất chứa trong đó bao kỷ niệm vui, buồn của cả một đời người. Nay, một Vạn Phú hình thành to đẹp hơn, lớn mạnh hơn như đại bàng được chắp bởi đôi “cánh chim” Vạn Thọ – Ký Phú.
Một tiết mục văn nghệ chào mừng ngày 2 xã Ký Phú – Vạn Thọ được sáp nhập thành xã Vạn Phú (Đại Từ). |
Có được đôi “cánh chim” khỏe khoắn, tràn đầy sinh lực là nhờ trong những năm qua, 2 xã Vạn Thọ – Ký Phú đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ để phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt tập trung phát triển cây chè, khuyến khích nhân dân đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, phát triển theo hướng hàng hoá; đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chăm sóc, quản lý và phát triển rừng trồng…
Đi lên từ thế thuần nông, xuất phát điểm thấp nhưng cả hai xã đều biết phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để từng bước nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân bằng chính “thế thuần nông”. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã Ký Phú chỉ còn hơn 3,3%; thu nhập bình quân đạt trên 53 triệu đồng/người/năm; còn xã Vạn Thọ, thu nhập bình quân đạt gần 58 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,42%…
Khi cơm áo không còn là nỗi lo thường nhật, người dân 2 xã đã tích cực đóng góp công sức, tiền của đối ứng cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích.
Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Vạn Thọ đã đầu tư gần 173 tỷ đồng, trong đó bê tông hóa hơn 21km đường giao thông, lắp đạt các hạng mục cần thiết như biển báo, biển chỉ dẫn, đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, trồng cây xanh, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp. Còn xã Ký Phú cũng đầu tư hơn 65 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hơn 14km đường nông thôn cũng đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp (đạt 87,66% tổng số các tuyến đường). Xã Ký Phú có 10/10 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa; 10/10 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới, đang thực hiện xây dựng xóm Đặn 1 đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu…
Chị Ngô Thị Hà, ở xóm Cạn, xã Ký Phú, phấn khởi cho biết: Khi biết 2 xã được nhập thành xã Vạn Phú tôi cũng như nhiều người dân có chút suy tư, vì tên xã đã gắn bó với chúng tôi từ ngày lọt lòng mẹ trong tờ khai sinh cho đến tận bây giờ. Nhưng sau khi được tuyên truyền, chúng tôi đều nhận thức được việc sáp nhập đó góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển lớn mạnh của quê hương.
Gia đình tôi làm nghề sản xuất nem chua, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đã được đăng bán trên sàn thương mại điện tử shopee.vn. Là người dân, chúng tôi cùng nỗ lực, phấn đấu tăng gia, sản xuất, kinh doanh… để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. – Chị Ngô Thị Hà
Suy nghĩ của chị Hà cũng là suy nghĩ chung của những người dân khi chúng tôi có dịp tiếp xúc, trò chuyện. Câu chuyện với họ luôn đầy ắp tiếng cười, sự hân hoan chào đón “Vạn Phú”. Chúng ta cùng hy vọng người dân sẽ có được cuộc sống bình an, phú quý, thịnh vượng… như ý nghĩa của tên xã Vạn Phú.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/doi-canh-van-phu-90f238c/