Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 26-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung kinh tế – xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước, trọng tâm là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.
Tổ thảo luận số 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai. |
Các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đồng Nai.
Tham gia phát biểu thảo luận, các ĐBQH bày tỏ vui mừng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương trong thời gian qua; thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Đồng thời, các ĐBQH phân tích, làm rõ thêm một số kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 như: Nhìn chung, tình hình KT-XH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ĐBQH cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây… Các đại biểu cũng nêu một số ý kiến về việc sử dụng một hay nhiều bộ sách giáo khoa sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn, đồng thời đề nghị có đánh giá khoa học, toàn diện về vấn đề này.
Thảo luận về tình hình phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, đại biểu Đoàn Thị Hảo quan tâm đến công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong đó Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Đại biểu đánh giá, những khó khăn của dự án không phải phổ biến, do đó cần có những giải pháp đặc thù để giải quyết sớm. Đại biểu đề nghị Chính phủ có những đánh giá rõ hơn, quyết liệt hơn về nội dung này trong báo cáo.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước thực trạng nhiều hồ, đập được xây dựng, từ những năm 1970 đến 1980, trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì, nên bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao. Đại biểu đề nghị Chính phủ có chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống bản đồ ngập lụt; gia cố, xây dựng các vị trí hồ đập xung yếu.
Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên. |
Ngoài ra, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị cần phân tích cụ thể để chỉ ra điểm nghẽn, từ đó có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các nội dung liên quan đến cơn bão số 3, đại biểu đặt ra vấn đề về kinh phí cho công tác rà soát, điều tra, khảo sát các điểm, vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để chủ động ứng phó với thiên tai. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác tôn giáo, dân tộc.
Đại biểu Đoàn Thái Nguyên cũng cho rằng, từ thực tế thị trường vàng thời gian qua, cần có sự xem xét, đánh giá kỹ để có giải pháp hiệu quả quản lý thị trường vàng.
Tại buổi thảo luận, các ĐBQH còn tập trung cho ý kiến đối với tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Nguồn: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202410/doan-dai-bieu-quoc-hoi-thai-nguyen-thao-luan-to-ve-kinh-te-xa-hoi-3aa12c8/