Hơn 2 tuần nay, hàng chục cửa hàng bán xe máy cũ trên địa bàn TP. Thái Nguyên trở nên đìu hiu, vắng khách, có cửa hàng không bán nổi 1 chiếc xe. Thậm chí, có nơi đã bán được xe nhưng bị khách hàng trả lại vì thủ tục sang tên rườm rà, phức tạp… Thị trường xe máy cũ lâm vào tình trạng khó khăn, cả người bán lẫn người mua đều thấy lo ngại. Đó là thực trạng sau khi Thông tư số 24/2023-BCA của Bộ Công an quy định về định danh biển số xe có hiệu lực.
Cửa hàng xe máy cũ Văn Tiến hiện có khoảng 250 chiếc xe nhưng 3 tuần trở lại đây việc mua bán gần như ngưng trệ. |
Cửa hàng mua bán, trao đổi xe máy cũ Văn Tiến, địa chỉ tại số 889, đường Dương Tự Minh (TP. Thái Nguyên), là một trong những quầy mua bán xe máy cũ lớn trên địa bàn. Ở đây có hàng trăm chiếc xe máy từ loại bình dân đến đắt tiền, nhưng gần 3 tuần qua, cửa hàng không có mấy người đến hỏi mua.
Anh Vũ Văn Tiến, chủ cửa hàng, hằng ngày hết quanh quẩn lau bụi cho những chiếc xe, lại ngồi lướt điện thoại. Anh thở dài nói: Hiện nay, cửa hàng của tôi còn khoảng 250 chiếc xe máy cũ các loại. Trước đây, trung bình mỗi tháng, tôi bán được 60-70 chiếc, nhưng từ 15-8 đến nay, tôi chỉ bán được vài chiếc xe máy giá rẻ. Hơn 10 năm làm nghề, chưa khi nào tôi thấy thị trường khó khăn, ảm đạm như hiện nay. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc tôi phải bỏ nghề vì không đủ tiền trang trải chi phí.
Theo anh Tiến, nguyên nhân của tình trạng trên là khi có Thông tư số 24/2023-BCA về việc định danh biển số xe có hiệu lực, việc thu hồi biển số về cho chủ cũ, sang tên cho chủ mới gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà, thậm chí không thực hiện được.
Trước hết, việc thu hồi biển số xe cũ, vấn đề tìm chủ sở hữu rất khó khăn, nhất là đối với những xe đã được gắn biển 5 số. Có người không còn liên lạc được, có người liên hệ được thì họ cũng từ chối vì thấy mất thời gian, công sức và tiền bạc, đặc biệt là họ có tâm lý ngại đến cơ quan Công an làm việc.
Có vài khách đến tìm mua được những chiếc xe ưng ý nhưng sau lại mang trả quầy vì thấy thủ tục sang tên phức tạp hoặc chưa thể làm được ngay. Khoảng 3 tuần nay, cửa hàng của anh Tiến chỉ bán được vài chiếc xe cũ giá rẻ, vì người mua cũng xác định không cần sang tên mà chỉ để làm phương tiện đi lại, mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị H. ở TP. Thái Nguyên bày tỏ: Gia đình tôi không có điều kiện mua xe máy mới nên mua xe cũ, ít tiền để làm phương tiện mưu sinh. Khi mua, tôi cũng muốn đăng ký chính chủ và “bốc” biển mới nhưng thấy thủ tục rườm rà, phức tạp lại mất thêm chi phí nên xác định cứ mua về để đi chứ không cần sang tên nữa.
Im ắng, ảm đạm hơn cửa hàng Văn Tiến, quầy xe máy cũ Hường Hà, ở số 210, đường Cách mạng Tháng Tám (TP. Thái Nguyên), 3 tuần nay chưa bán được 1 chiếc xe máy nào. Hơn trăm chiếc xe cũ, gắn biển đầy đủ chỉ như để… trưng bày.
Cửa hàng xe máy Hà Hường suốt 3 tuần qua chưa bán nổi một chiếc xe. |
Anh Đỗ Trọng Hà, chủ cửa hàng, ngao ngán nói: Cũng có vài khách đến hỏi mua nhưng khi nghe việc làm thủ tục sang tên có phần phức tạp, khó khăn nên họ lại thôi. Thành ra từ 15-8 đến nay, tôi chưa bán được chiếc xe nào. Trong cửa hàng có rất nhiều xe có giá trị cao nên nhu cầu sang tên chính chủ của khách là tất yếu, nhưng thủ tục rườm rà nên rất khó bán. Trong đó, vướng nhất là việc tìm lại chủ cũ và làm thủ tục thu hồi biển số định danh trả về cho họ.
Anh Hà ví dụ: Hôm trước có khách đến tìm mua xe, tôi liên lạc với chủ cũ của chiếc xe (ở Đồng Hỷ) đã bán cho tôi để nhờ phối hợp làm thủ tục thu hồi biển số xe, nhưng người này nói đang đi làm ở miền Nam, không về được. Thấy vậy, khách liền từ chối giao dịch. Việc tìm lại chủ cũ đã khó nhưng có người liên hệ được thì họ từ chối vì nhiều lý do, trong đó có cả những người bán xe đi chỉ vì… biển số xấu.
Trái lại, đối với những xe giao dịch trước ngày 15-8, nhiều chủ cửa hàng đã bỏ ra không ít tiền mua lại những xe bình dân có biển số đẹp với giá cao, nay những chiếc xe ấy gần như mất giá trị. Nếu có bán được, chủ cửa hàng phải chịu khoản lỗ không nhỏ.
Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có khoảng 30-40 cửa hàng mua bán xe máy cũ đều rơi vào tình trạng vắng khách. Với thực tế đang diễn ra, chủ các cửa hàng xe máy cũ đang rất mong cơ quan chức năng có giải pháp linh hoạt, hướng dẫn cụ thể để họ có thể tiếp tục kinh doanh thuận lợi, vượt qua khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn nhiều người phải bỏ nghề, thậm chí phá sản.