Bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thống, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã triển khai thực hiện tốt dịch vụ bưu chính công ích (BCCI), góp phần quan trọng vào công tác cải cách hành chính (CCHC). Qua đó phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ làm dịch vụ BCCI 3 cấp trong tỉnh; khẳng định hoạt động BCCI mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội, được người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao.
Nhân viên bưu điện tiếp nhận bưu phẩm. |
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của địa phương, Bưu điện tỉnh đã mở rộng, phát triển các dịch vụ BCCI (bưu chính chuyển phát; tài chính bưu chính; phân phối truyền thông) và một số dịch vụ khác như: Đại lý bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ. Qua đó khẳng định ưu thế vượt trội của đơn vị về năng lực phục vụ, đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu khác nhau của khách hàng.
Đặc biệt, trước yêu cầu đổi mới của nền hành chính phục vụ, Bưu điện tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án và triển khai linh hoạt nhiều giải pháp. Từ đó đảm bảo lưu thông và cung ứng hàng hóa thiết yếu nhằm hỗ trợ người dân trong sản xuất, sinh hoạt.
Đối với công tác cải cách hành chính, Bưu điện đã thực hiện nghiêm Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ BCCI.
Qua đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính hàng năm cho thấy, danh mục TTHC thực hiện qua dịch vụ BCCI trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết.
Tính đến đầu quý III-2023 đã có 100% sở, ban, ngành và 9 huyện, thành phố trong tỉnh ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI với Bưu điện tỉnh.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện công khai, niêm yết danh mục TTHC thực hiện và chưa thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ BCCI trên trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương để người dân, doang nghiệp trong tỉnh nắm bắt, sử dụng.
Trong công tác chuyển đổi số, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền 9 huyện, thành tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức và kỹ năng giới thiệu sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.
Thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021 – 2025, Bưu điện tỉnh đã quyết liệt triển khai chủ trương chuyển đổi số trong thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội, các chế độ lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, Bưu điện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở tài khoản an sinh cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, đối tượng hưởng chế độ người có công với cách mạng và đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đạt 15.733 tài khoản và đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt thành công qua tài khoản đạt 5.312 đối tượng; đã mở tài khoản, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt 19.276 đối tượng.
Trong những tháng đầu năm 2023, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông bàn giao dữ liệu mã địa chỉ số cho UBND các huyện, thành phố với tổng số 330.727 địa chỉ, gồm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà dân.
Ông Trần Cao Hoài, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, giảm nhiều công sức, chi phí về thời gian; đồng thời tăng tính chuyên nghiệp, công khai và liên thông, góp phần giảm áp lực lên các cơ quan nhà nước. Qua đó giúp Thái Nguyên cụ thể hóa mục tiêu đẩy mạnh công tác CCHC, xây dựng chính quyền đồng hành và phục vụ.
Để củng cố, phát huy lợi thế về cơ sở vật chất, nhận sự, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển Bưu điện – Văn hóa xã (BĐ-VHX) gắn với hoạt động phục vụ cộng đồng”.
Theo đó, đơn vị luôn xác định gần 140 điểm BĐ-VHX trên toàn tỉnh là cánh tay nối dài để triển khai các dịch vụ, dự án của Nhà nước về an sinh xã hội.
Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nhiều nguồn lực để đổi mới hoạt động của BĐ-VHX. Đặc biệt là ban hành cơ chế hỗ trợ cho lực lượng chuyên quản BĐ-VHX, tổ chức các lớp đào tạo kinh doanh cũng như triển khai các chương trình thi đua hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu suất của BĐ-VHX để đẩy nhanh chuyển đổi điểm BĐ-VHX thành mô hình phục vụ cấp thứ 4.
Đây là đầu mối kết nối của ngành Bưu điện với các cơ quan chính quyền, các đơn vị, tổ chức tại địa phương của tỉnh nhằm đảm bảo mục tiêu phục vụ cộng đồng, đón đầu làn sóng chuyển đổi số.
Thời gian tới, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai các chương trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm BĐ-VHX để nhân rộng mô hình này; bám sát chương trình kinh doanh dịch vụ, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công.
Đồng thời, Bưu điện tỉnh phát triển, tích hợp các giải pháp CNTT; chú trọng công tác đào tạo, có cơ chế, chính sách khuyến khích nhân viên nỗ lực, nâng cao hiệu quả công việc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong, ngoài tỉnh.