Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề xuất quy định theo hướng “mở” để địa phương quyết định số lượng, mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo tình hình thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu. |
Sáng 28-8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Quy định “cứng” sẽ không sát thực tiễn
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 3 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách.
“Mục tiêu của việc xây dựng luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có thành 1 tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật”, ông Lê Tấn Tới nói.
Về đề nghị bổ sung quy định về quyền hạn, trách nhiệm pháp lý trong trường hợp lực lượng này vi phạm, gây ra thiệt hại, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công và chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã. Lực lượng này không hoạt động độc lập, nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý là không cần thiết và cũng không phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng này.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công an tham dự phiên họp. |
Bên cạnh đó, nếu quy định “cứng” về số lượng tổ, các chức danh của Tổ bảo vệ an ninh trật tự sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn, không sát với nhu cầu của từng thôn, tổ dân phố, vì mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn có sự khác nhau. Do đó, dự thảo Luật quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu, điều kiện thực tiễn để quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng đề nghị cho quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của luật.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) tham gia thảo luận. |
Cần quy định cụ thể một số nội dung
Thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn, bởi đây là lực lượng quần chúng, tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không thuộc bộ máy nhà nước, chỉ tham gia hỗ trợ lực lượng công an cấp xã. Trong khi đó, lực lượng công an chính quy cấp xã được bố trí rất mỏng, có nhiều địa bàn rộng, từ xã xuống thôn mấy chục km; vì vậy cần cân nhắc lực lượng này do cơ quan nào thành lập, cần giao quyền chủ động cho cơ sở theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
“Bên cạnh quy định độ tuổi tối thiểu tham gia cũng cần quy định độ tuổi tối đa để lực lượng này hoạt động hiệu quả nhất”, đại biểu Nguyễn Tạo nói.
Về vấn đề xây dựng lực lượng, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng này ở cơ sở để bảo đảm phù hợp. Trong đó làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng lực lượng này. Đồng thời làm rõ vai trò của chính quyền, ý kiến nhân dân trong việc cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Quang cảnh phiên họp. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, mặc dù dự thảo luật không nêu cụ thể quy định mức bồi dưỡng là bao nhiêu nhưng cần thống nhất chi theo một mức lương ở cơ sở. Ngoài ra, còn cần chi hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Do vậy, đây sẽ là con số khá lớn. Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn được bồi dưỡng khi được cử đi tập huấn, huấn luyện hoặc được khen thưởng của các cấp có thẩm quyền.
“Lực lượng này ngoài việc được bồi dưỡng “phần cứng” thì “phần mềm” cũng được hỗ trợ rất nhiều. Do đó, cần cân nhắc thận trọng các nội dung này, để tránh khi luật ban hành thì sẽ khó áp dụng ở địa phương”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Trung tướng – Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, lực lượng này được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy cơ sở, sự điều hành của chính quyền cấp xã, sự tham mưu và quản lý của Công an xã. Lực lượng này được bảo đảm kinh phí và trang bị cơ sở vật chất do ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính được huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.