Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó góp phần tạo môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm sẽ nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất chè – cây trồng chủ lực của Thái Nguyên, đảm bảo “sạch” từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. |
Năm 2024 là năm thứ tư Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản (NLS) và thủy sản tỉnh đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các xã nông thôn mới (NTM) theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh. Theo đó, các hoạt động đã được triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra.
Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thủy sản tỉnh: Thực hiện chương trình này, điều chúng tôi hướng đến chính là làm tốt công tác quản lý Nhà nước về chất lượng, ATTP theo phân công, phân cấp tại các địa phương; nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM…
Với nhiều nội dung phong phú, mọi hoạt động được triển khai đều hướng về địa bàn các xã nông thôn. Trong đó, việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân; cơ sở sản xuất, kinh doanh được đặc biệt quan tâm thông qua các lớp tập huấn (đã thu hút 2.200 người tham gia).
Cụ thể, đến nay, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 44 lớp tập huấn về công tác đảm bảo ATTP tại 7 huyện, thành cho các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; lãnh đạo và cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP tại các xã. Qua đó, hướng dẫn học viên nắm bắt được các văn bản quy phạm pháp luật quy định về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh.
Hoạt động của các tổ cộng đồng tự quản về an toàn thực phẩm sẽ góp phần nâng cao ý thức của người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. |
Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức 48 lớp tập huấn tại các xã NTM, NTM nâng cao cho lãnh đạo các xã; Ban chỉ đạo về ATTP các xã; cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP tại các xã… tham gia. Từ đó, giúp học viên hiểu và thực hiện tốt hơn các quy định, điều kiện để đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản; phương pháp kiểm tra, đánh giá, giám sát trong việc thực hiện các quy định về ATTP trực tiếp tại cơ sở và địa bàn phụ trách; quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ…
Ông Ma Văn Thái, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thủy sản tỉnh: Lớp tập huấn góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ trong công tác quản lý nhà nước về ATTP; nâng cao nhận thức người dân trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP…
Cùng với đó, việc thành lập các tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh ATTP và xây dựng mô hình xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại các xã NTM, NTM nâng cao cũng đã được triển khai đảm bảo kế hoạch. Hiện, 9 tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh ATTP tại 3 xã Phục Linh (Đại Từ), Tân Khánh (Phú Bình) và Động Đạt (Phú Lương) đã đi vào hoạt động (mỗi xã thành lập 3 tổ cộng đồng).
Các tổ cộng đồng sẽ làm tốt công tác tham mưu với UBND xã, Ban Chỉ đạo ATTP xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ATTP từ thống kê, cập nhật thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình về ATTP, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh; giám sát các tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo quy định.
Chi cục cũng đã tổ chức hỗ trợ xây dựng 15 mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà tại 3 xã thí điểm thành lập Tổ cộng đồng. Trong đó có 9 hộ dân (quy mô từ 3.000 nghìn đến 5.000 nghìn con gà/hộ); 6 trang trại (quy mô từ 6.000 con gà trở lên/trang trại) được hỗ trợ.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2025 Chi cục Quản lý Chất lượng NLS và thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý ATTP, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/day-manh-quan-ly-an-toan-thuc-pham-tao-moi-truong-song-ben-vung-o-nong-thon-2500a07/