Ngày mai (31-8), nhà ga sân bay Long Thành sẽ chính thức được khởi công. Đây là một trong những hạng mục quan trọng nhất, đánh dấu bước phát triển mới của siêu dự án sau hơn 2 năm triển khai xây dựng.
Thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành. |
Hoàn tất khối lượng công việc lớn
Ngày 5-1-2021, dự án Cảng Hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành chính thức khởi công giai đoạn 1. Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), sân bay Long Thành là dự án đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây cũng là dự án quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam từ trước tới nay.
Tổng diện tích xây dựng sân bay Long Thành lên đến hơn 5.000ha. |
Dự án có diện tích hơn 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự, dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200ha. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (16,03 tỷ USD).
Theo ACV, trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sau hơn 2 năm rưỡi khởi công dự án, các đơn vị thi công đã thực hiện một khối lượng lớn công việc. Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, toàn bộ diện tích khu vực 1.810 ha xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1, 722ha khu vực dự trữ đất dôi dư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các đơn vị liên quan.
Cùng với đó, các đơn vị đã rà phá bom mìn, tạo mặt bằng sạch, xây tường bao và san lấp 1.200 ha mặt bằng phục vụ xây dựng giai đoạn 1 của dự án.
Ông Phạm Đức Tý, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 3 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Đại diện liên danh nhà thầu) thông tin, đã đào đắp hơn 102 triệu khối/115 triệu khối đất đá, hoàn thành 90% khối lượng công việc, phấn đấu hoàn thành 100% vào cuối năm 2023, vượt tiến độ khoảng 4 tháng.
Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành đã được xây dựng xong phần móng. |
Ngoài ra, các đơn vị thi công đang xây dựng Đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m và các hạng mục phụ trợ; giải phóng hơn 130ha mặt bằng và khởi công xây dựng 2 tuyến đường dài 8km, quy mô từ 4 – 6 làn xe kết nối sân bay với bên ngoài, có tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng.
Nhiều hạng mục khác đang đồng loạt được triển khai, như hạ tầng điện nước; hệ thống cung cấp nhiên liệu, nhà ga hàng hóa, tòa nhà điều hành cảng và các công trình phụ trợ khác. Đặc biệt, đơn vị thi công đã hoàn thành việc đóng hơn 1.500 cọc móng nhà ga hành khách, vượt tiến độ 2 tháng.
Khởi công hạng mục quan trọng nhất
Trước ngày khởi công một tuần, ACV đã công bố liên danh thắng thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Phối cảnh bên trong nhà ga hành khách sân bay Long Thành. |
Đó là liên danh nhà thầu Vietur. Đứng đầu liên danh này là IC ISTAS, trực thuộc Tập đoàn IC Holding và là nhà thầu đứng trong top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới. Cùng liên doanh còn có các nhà thầu trong nước như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, Công ty CP kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp….
Mặc dù đại diện liên danh chưa muốn công bố chi tiết kế hoạch triển khai gói thầu lớn nhất (hơn 35.000 tỷ đồng) trong dự án sân bay Long Thành, nhưng bày tỏ quyết tâm sẽ hoàn thành công trình sau 36 tháng xây dựng, với công suất khai thác giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa.
Phối cảnh thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành. |
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, nhà ga được áp dụng công nghệ tiên tiến nhất về hàng không. Với một số lĩnh vực nhất định, ACV không chốt công nghệ ở giai đoạn báo cáo tiền khả thi, mà chốt ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật, nhằm cập nhật những công nghệ mới nhất cho công trình tương đương với các sân bay hiện đại trên thế giới.
Cùng với việc khởi công nhà ga, các đơn vị thi công còn khởi công xây dựng đường cất hạ cánh có tổng mức đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng (hạng mục lớn thứ hai tại sân bay Long Thành).
Đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 45m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3 ha; 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha. Khu đỗ trực thăng cũng được xây dựng thời điểm này.
Theo ACV, vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm vốn cho dự án. Hiện tại, kết quả kinh doanh của ACV là khả quan; vốn dự án được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phê duyệt cân đối nguồn vốn.
Cùng với đó, ACV đã thống nhất với ngân hàng cho vay để giảm phần vay ngoại tệ. Theo đó, ACV sẽ vay khoảng 1,7 đến 1,8 tỷ USD cho dự án và đã được nhóm ngân hàng nhà nước: BIDV, Vietcombank, VietinBank thu xếp vốn.
Tuy nhiên, để sân bay Long Thành phát huy hết vai trò, cần hoàn thiện hệ thống đường giao thông kết nối sân bay với bên ngoài. Đây là những phần việc ngoài thẩm quyền của ACV.
ACV kiến nghị Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây để khai thác tốt hơn dự án sân bay Long Thành. |
“Đơn cử, tuyến đường huyết mạch là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây hiện đã quá tải, ách tắc thường xuyên. Nếu không sớm được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, sẽ ảnh hưởng lớn đến sân bay. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Giao thông – Vận tải sớm giải quyết vấn đề này. Cùng với đó, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các tuyến đường kết nối khác để phục vụ thi công dự án” – ông Lại Xuân Thanh nói.