Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 10-1930, đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương). Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quần chúng cả nước bước vào một cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống ách thống trị của kẻ thù, mà đỉnh cao là Phong trào Xô Viết-Nghệ tĩnh (1930-1931).
Di tích nơi thành lập cơ sở đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (xã La Bằng, Đại Từ). |
Tại Thái Nguyên, sự ra đời và hoạt động của Đảng Cộng sản chưa có ảnh hưởng và tác động tức thời. Tuy vậy, ngay từ những năm 1932-1933, tại các khu vực phía Nam của tỉnh, một số cơ sở đảng ở các tỉnh giáp ranh với Thái Nguyên đã mở rộng hoạt động sang các khu vực lân cận. Nhiều truyền đơn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản được rải ở bến đò Hà Châu (Phú Bình).
Năm 1932, các đồng chí Vũ Hưng và Nguyễn Đình Chiêm, đảng viên ở Hà Nam, lẩn tránh sự truy lùng của kẻ thù chạy lên huyện Định Hóa, tuy chưa bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc kỳ và Trung ương, nhưng đã gây dựng được một số cơ sở cách mạng.
Từ giữa những năm 30, tình hình thế giới có chuyển biến: Đại hội VII Quốc tế cộng sản họp (tháng 7-1935), xác định nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là thành lập Mặt trận Nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít giành dân chủ và hòa bình. Do đó, lực lượng dân chủ chống phát xít ở nhiều nước trên thế giới đã liên kết cùng nhau lập ra các mặt trận nhân dân.
Đầu năm 1936, tại Pháp, Mặt trận Bình dân được thành lập. Trong tổng tuyển cử tháng 4-1936, lực lượng cánh tả ở Pháp đoàn kết trong mặt trận Bình dân giành thắng lợi, Chính phủ của Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền. Thực hiện cương lĩnh của Mặt trận Bình dân, Chính phủ Pháp buộc phải thi hành một số quyền tự do dân chủ cơ bản cho quần chúng lao động ở trong nước và thuộc địa.
Những chuyển biến này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng. Trong điều kiện thuận lợi đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ Nhất (khóa I) họp tại Hương Cảng (tháng 7-1936), chủ trương triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để tuyên truyền tổ chức quần chúng, củng cố và phát triển tổ chức bí mật của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Nhất họp tại Ma Cao (tháng 3-1935) và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng (tháng 7-1936), giữa năm 1936, Chi bộ Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Long Châu (Trung Quốc) quyết định đưa cán bộ, đảng viên về nước hoạt động. Đồng chí Đặng Tùng, một đảng viên có năng lực vận động, được cử về Thái Nguyên để gây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng.
TNĐT