Những năm gần đây, tỷ lệ sở hữu ô tô cá nhân tại tỉnh tăng mạnh, đặc biệt là ở khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên. Điều này cho thấy phần nào “sức khỏe” của nền kinh tế, cũng như minh chứng đời sống nhân dân đang ngày một sung túc, thịnh vượng.
Chỉ riêng trục đường Cách mạng Tháng Tám, đoạn thuộc phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), đã có gần chục đại lý của các hãng xe ô tô. |
Điểm đến hấp dẫn của các thương hiệu ô tô “quốc dân”
Thị trường ô tô tại tỉnh hiện nay khá sôi động khi hàng loạt hãng xe hơi chọn Thái Nguyên để mở đại lý cấp 1. Chỉ riêng trục đường Cách mạng Tháng Tám, đoạn thuộc phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), đã có tới 7 đại lý đến từ các thương hiệu ô tô lớn, như: Toyota, Honda, Ford, Nissan, MG (Morris Garages)…
Hầu như các hãng ô tô thông dụng đều đã có đại lý tại tỉnh. Sức hấp dẫn của thị trường Thái Nguyên đối với các hãng xe thể hiện rõ rệt qua mức tiêu thụ xe hàng năm, bình quân từ 3.000-4000 xe/năm.
Trong số các hãng ô tô hiện nay, Toyota là một trong những “ông lớn” có mặt tại thị trường Thái Nguyên khá sớm. Sau hơn 10 năm chính thức đi vào hoạt động, đến nay, thị trường tiêu thụ của hãng này ngày càng rộng mở với nhiều dòng xe được mệnh danh là xe “quốc dân”, quen thuộc với người dùng như: Raize, Vios, Yaris, Corolla Altis, Camry…
Ông Phạm Quang Chung, Giám đốc Toyota Thái Nguyên, cho biết: Nếu như khi mới đi vào hoạt động, đại lý tiêu thụ bình quân mỗi năm 300-400 xe thì nay tăng gấp khoảng 3 lần. Năm 2022, chúng tôi bán được gần 1.500 xe và khoảng 400 xe tính từ đầu năm đến nay. Sự tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đã tác động tích cực đến thị trường ô tô.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có trên 111.000 ô tô đang được quản lý. Các phương tiện giao thông, nhất là xe ô tô trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Thái Nguyên nói riêng những năm gần đây tăng khá nhanh. Cụ thể, năm 2019, tổng số ô tô đăng ký mới trên địa bàn tỉnh là 6.266 xe; năm 2020 là 6.826 xe; năm 2021 là 7.335 xe; năm 2022 là 8.142 xe. Từ đầu năm đến nay, tổng số ô tô đăng ký mới là trên 3.500 xe.
không còn là… giấc mơ
Quả thực, chưa khi nào giao thông Thái Nguyên lại có nhiều phương tiện ô tô tham gia như hiện nay. Thay vì trước đây, mỗi nhà thường chỉ có một ô tô, thì nay nhiều nhà sở hữu đến hai, ba chiếc, thậm chí có người sở hữu cùng lúc nhiều xe để thay đổi.
Anh Nguyễn Văn Thăng, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cho biết: Trước đây, có trong mơ tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc mình có thể sở hữu một chiếc ô tô. Sau nhiều năm vất vả làm việc, cuối năm 2018, tôi cũng cố gắng chắt chiu để sắm một chiếc ô tô đã qua sử dụng. Rồi tôi tiếp tục sắm thêm một chiếc Kia Morning cho vợ để tiện đi làm, đưa đón con đi học không lo mưa, nắng. Từ khi có ô tô, công việc kinh doanh của vợ chồng tôi cũng ngày càng thuận lợi.
Khi đời sống được nâng lên, người dân đã có “của ăn, của để” thì việc sở hữu phương tiện nhiều tiện ích như ô tô không còn là lựa chọn quá xa xỉ đối với nhiều người. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông từ nông thôn đến thành thị ngày càng được nâng cấp, mở rộng, thuận lợi cho việc di chuyển.
Một lý do khác là sự “bùng nổ” của các mẫu xe đô thị giá rẻ đã kích cầu mua sắm. Các hãng xe, đại lý cũng liên tiếp đưa ra chương trình ưu đãi cho khách hàng. Mới đây, Nghị định số 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, quy định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước, được các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong nước kỳ vòng sẽ tạo động lực, kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân.
Bên cạnh các mẫu ô tô chạy bằng xăng, dầu thì thời gian gần đây, người tiêu dùng còn đặc biệt quan tâm đến các xe ô tô chạy bằng điện. Tại Thái Nguyên, xe điện của VinFast đã có mặt, đi kèm với đó là mạng lưới trạm sạc pin đang bao phủ ngày càng dày ở nhiều địa điểm, thuận tiện cho người sử dụng.
Trên các tuyến đường đều có nhiều phương tiện giao thông là ô tô. |
“Sức khỏe” của nền kinh tế
Tuy tỷ lệ sở hữu ô tô không phải là thước đo để đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nhưng ô tô là tài sản lớn với mỗi gia đình, đồng thời phản ánh đời sống người dân đang được cải thiện tích cực.
Trong khi năm 2013, tổng thu ngân sách của tỉnh mới đạt trên 3 nghìn tỷ đồng thì năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 18,54 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng tăng vọt từ gần 250 triệu USD (năm 2013) lên trên 31 tỷ USD (năm 2022). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại – dịch vụ.
Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương đi đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với Tập đoàn Samsung, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư mới, đầu tư mở rộng vào các khu công nghiệp của tỉnh góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 107 triệu đồng/người/năm, tăng 12,5% so với năm 2021…
Kinh tế phát triển đồng nghĩa với đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Nhu cầu và điều kiện sở hữu một chiếc ô tô phục vụ công việc, tiện ích cuộc sống đã không còn quá xa xỉ với nhiều người.