Với hơn 3.600 đoàn viên sinh hoạt tại 28 cơ sở đoàn, thời gian qua, phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp luôn được Huyện đoàn Võ Nhai quan tâm triển khai. Qua phong trào, nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đã đem lại hiệu quả cao.
Chị Hà Thị Thanh Chúc (bên phải), đoàn viên Chi đoàn xóm Nà Giàm, xã Nghinh Tường (Võ Nhai), với mô hình nuôi dúi mốc Việt. |
Anh Hoàng Văn Nguỵ, Bí thư Huyện đoàn Võ Nhai, cho biết: Chúng tôi triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, thanh niên. Trong đó, chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” có sức lan tỏa rộng. Huyện đoàn đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn nghề và hướng nghiệp cho hàng nghìn lượt đoàn viên; phối hợp với các đơn vị tổ chức được 30 lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 700 đoàn viên, thanh niên.
Công tác hỗ trợ đoàn viên, thanh niên và nhân dân tiếp cận các chương trình cho vay để phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay uỷ thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội được triển khai hiệu quả.
Đến nay, dư nợ ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức đoàn các cấp đạt 116,8 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, Huyện đoàn đã hỗ trợ thực hiện quy trình cho vay và giải ngân cho 2.184 hộ gia đình chính sách và thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.
Các mô hình, câu lạc bộ: “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” được thành lập và hoạt động có hiệu quả.
Việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp bộ đoàn trong huyện đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp hiệu quả.
Từ sản phẩm mỳ gạo truyền thống của gia đình, chị Thạch Thị Hương ở thị trấn Đình Cả đầu tư thành lập Hợp tác xã (HTX) Mỳ gạo Tiền Phong để nâng cao chất lượng, sản lượng và xây dựng thành công sản phẩm OCOP của huyện vùng cao.
Chị Hương cho hay: Năm 2020, được sự hỗ trợ của địa phương và tổ chức Đoàn, tôi và gia đình thành lập ra HTX Mỳ gạo Tiền Phong. Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất 3 tấn mỳ gạo và khoảng 1 tấn bánh phở, bánh cuốn xuất bán ra thị trường, đạt doanh thu trên 100 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng cho 4 lao động địa phương. Năm 2021, sản phẩm của HTX được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Võ Nhai.
Chị Hà Thị Thanh Chúc, đoàn viên Chi đoàn xóm Nà Giàm, xã Nghinh Tường, khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi mốc Việt. Chị Chúc chia sẻ: Năm 2021, tôi bắt đầu nuôi 15 cặp dúi. Đến nay, chúng tôi đã có 261 cá thể dúi, 120 bố mẹ sinh sản. Dúi thịt nuôi đạt trọng lượng 1,5kg trở lên sẽ được xuất chuồng. Giá bán từ 550 nghìn đồng/kg đối với dúi thịt, dúi giống từ 1-2 triệu đồng/cặp. Việc nuôi dúi đã cho chúng tôi nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, thời gian tới, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Võ Nhai tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên về phát triển kinh tế; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề.
Huyện đoàn tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công của thanh niên; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối ý tưởng kinh doanh, hỗ trợ đầu ra sản phẩm của thanh niên; đồng thời huy động các nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, tạo điều kiện cho đoàn viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.