Gần trưa, ông Hạ – Tổ trưởng dân phố xách thùng sơn dùng dở từ nhà văn hóa trở về. Sau những ngày mưa lũ, con đường từng chìm trong nước một vài bông hoa vẫn rung rinh khoe sắc.
Ông Hưng đang lúi húi dựng lại hàng rào mảnh vườn bị đổ gãy vội dừng tay, cất tiếng hồ hởi:
– Bác đi đâu vậy? Vào nhà em làm chén nước đã.
– Ông Phương mua thùng sơn, bảo tôi mở cửa nhà văn hóa để sơn lại con thuyền. Dạo ngập lụt trày xước nhiều, tranh thủ nắng sơn cho mau khô còn dùng lâu dài.
– Bác chả ới em cùng làm cho vui.
– Tôi với ông Phương tranh thủ quét một lúc là xong. Nhà ông còn bao việc…
Ông Hưng là Chi hội trưởng Cựu chiến binh. Năm ngoái, sau cuộc họp cùng đồng đội, ông đề xuất với cấp ủy chi bộ: Các cựu chiến binh xin được tặng tổ dân phố một con thuyền nhỏ để phòng, chống lụt bão và phục vụ nhân dân đi lại khi bị úng ngập.
Thoạt đầu, ông bí thư chi bộ hết sức băn khoăn. Những năm vừa qua, bà con đã đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đối ứng xây dựng đường bê tông rồi còn những khoản thu khác… Nhiều gia đình cựu chiến binh chưa hẳn đã khá giả. Tấm lòng vì bà con là rất đáng trân trọng, nhưng để anh em đóng góp ủng hộ có nên?
Thực hiện phương châm bốn tại chỗ theo chỉ đạo của cấp trên về phòng chống thiên tai, lần diễn tập gần nhất, mọi nội dung tổ dân phố đều đáp ứng, duy các phương tiện còn thiếu. Trong tình huống cấp bách phải chờ đợi sự hỗ trợ từ nơi khác. Trước sự cần thiết phải có một con thuyền, ông bí thư đã bàn bạc cùng cấp ủy chi bộ và thống nhất với đề xuất.
Thực ra ý tưởng sắm tặng tổ dân phố con thuyền ông Hưng đã suy nghĩ từ lâu. Ông cho rằng xã được sáp nhập vào thành phố và chuyển thành phường. Các thôn xóm cũng đổi cách gọi là tổ dân phố. Mặc dù được đầu tư khá lớn xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là điện, đường, hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, địa bàn tổ dân phố nằm ở vùng trũng như lòng con thuyền, phần lớn dân cư trong các ngõ xây dựng nhà cửa từ nhiều năm, mỗi trận mưa lớn đều bị úng ngập cục bô trên mặt đường.
Phương án nâng cốt nền đường từng được tính đến, song không khả thi, bởi đường trong ngõ cao hơn nhà ở sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người dân. Mặt khác, tổ liền kề các xóm không thuộc thành phố, nâng cốt nền đường thiếu đồng bộ sẽ chặn dòng thoát nước tự nhiên chảy ra sông. Úng ngập của tổ thường xảy ra trong thời gian ngắn, nếu có một con thuyền nhiều người đi lại sẽ đỡ vất vả, nhất là các cháu học sinh.
Từ suy nghĩ ấy, ông Hưng lặng lẽ tiết kiệm chi tiêu từ nguồn lương hưu. Một hôm ngồi thưởng trà cùng một số cựu chiến binh trong tổ, ông ngỏ ý hỏi về chất lượng thuyền sắt và thuyền composite. Biết ông ủng hộ tiền mua, ông Phương gạt phắt:
– Sắm con thuyền cho tổ dân phố là việc làm thiết thực, nhưng ông bỏ tiền ra là không nên. Đành rằng con cháu đã trưởng thành, ông tiết kiệm được đôi chút lương hưu, nhưng già cả đau yếu chả biết thế nào. Hãy để chúng tôi cùng chung tay.
Ý tưởng sắm thuyền nhanh chóng được các cựu chiến binh trong chi hội tán thành và nhất trí cùng nhau đóng góp. Nhiều người nêu ý kiến thẳng thắn: Thời bộ đội được nhân dân đùm bọc cưu mang, giờ không còn mặc quân phục, làm được gì cho cuộc sống yên vui anh em hết lòng. Loại thuyền nào mọi người giao chi hội trưởng quyết định. Ngay hôm sau, ông Phương gặp ông Hưng và ông tổ trưởng dân phố:
– Quên em vùng chiêm trũng, mỗi xóm có vài con thuyền chạy lũ. Mai em bảo cháu nó lái xe đưa các bác về quê em khảo sát.
Chỉ xem mấy chiếc thuyền sắt của xóm, ba người đã thấy hợp lý và xin địa chỉ cơ sở sản xuất. Ban đầu ý định của các ông chỉ là mua thuyền chèo tay, cậu con trai ông Phương thấy vậy liền góp ý:
– Chèo tay qua đoạn ngập cục bộ là phù hợp, nhưng nếu xảy ra lụt lớn, chèo tay vừa chậm, lại vừa khó vượt qua dòng nước chảy xiết. Cháu thấy mua một cái có giá gắn động cơ thủy. Nếu lụt lớn, cháu chở một cái lắp vào chạy, xong việc lại tháo mang về. Máy móc để đấy không dùng thường xuyên dễ hư hỏng. Cháu kinh doanh hàng điện máy, các bác yên tâm.
Cơ sở sản xuất mang thuyền đến bàn giao đúng hôm xảy ra mưa lớn và ngay lập tức được “hạ thủy”. Những người đi làm và các cháu học sinh không phải lội bì bõm vài trăm mét trong nước bẩn. Sau mỗi lần phục vụ, con thuyền được bảo quản cẩn thận tại hành lang phía sau nhà văn hóa.
Trận lũ lụt lớn vừa qua, nghe tin mực nước sông Cầu lên cao, lãnh đạo phường chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó. Bố con ông Phương mang luôn chiếc động cơ thủy lắp và đổ xăng đầy bình. Lường trước đợt mưa lũ lần này sẽ không như các đợt úng ngập cục bộ, các cựu chiến binh cùng nhiều lực lượng đã có mặt giúp sơ tán người già, trẻ em, di chuyển đồ đạc tới nơi an toàn.
Trong những ngày lũ lụt, con thuyền hầu như hoạt động suốt ngày đêm. Vốn thông thuộc địa bàn, ông Hưng và bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố thay nhau cầm lái đưa lực lượng cứu hộ, cứu trợ tới từng ngõ, từng gia đình bị ngập sâu. Con lũ ập tới bất ngờ và quá lớn, không ai dự trữ nước sạch, thức ăn, tất cả đều trông đợi sự hỗ trợ của chính quyền và tấm lòng thiện nguyện.
Giữa mênh mông nước, con thuyền liên tục rẽ nước phân phát hàng cứu trợ. Ông Hưng cảm thấy ấm lòng khi những gia đình nhà hai tầng đã mời những tất cả những người nhà thấp hơn đến ở. Đêm mịt mùng, ông cũng không ngại lái thuyền đi mua giúp bà con dù chỉ mấy viên thuốc hoặc cây nến, chiếc bật lửa. Bình xăng gần cạn bố con ông Phương lại đổ đầy và dứt khoát không nhận tiền.
Nhấp chén trà, ông Hạ bày tỏ:
– Con thuyền nhỏ nhưng thực sự ý nghĩa. Không có nó nhiều thứ trong bão lũ không thể kịp thời.
Ông Hưng nói như tâm sự:
– Anh em chúng tôi xác định: Mình từng là những người lính, phải luôn sống đúng mực trong tình xóm mạc!
Trưa muộn, nhiều chuyện về việc làm của các cựu chiến binh trong lũ lụt và khắc phục hậu quả thiên tai vẫn sôi nổi tiếp diễn. Nắng vàng màu hoa lý. Chén trà ngào ngạt thơm.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202410/con-thuyen-tinh-nghia-80d0eb6/