Chuẩn bị cho mùa cao điểm đón khách quốc tế (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau), nhiều cơ sở lưu trú ở thành phố Hà Nội đã có những chính sách mới trong khâu quảng bá, trải nghiệm để thu hút du khách. Chất lượng dịch vụ, hạ tầng, nguồn nhân lực tại nhiều khách sạn cũng được nâng cao, sẵn sàng đón khách lưu trú lâu dài.
Đoàn kiểm tra của Sở Du lịch Hà Nội khảo sát hoạt động một cơ sở lưu trú tại thị xã Sơn Tây, tháng 6-2023. |
Đổi mới để hút khách
Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở lưu trú là những đơn vị kinh doanh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cơ sở phải đóng cửa trong thời gian dài vì không có khách, phải cho nhân viên nghỉ. Khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2022, chiến lược phục hồi, phát triển du lịch được đẩy mạnh trên cả nước, trong đó thành phố Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch tập trung nhiều giải pháp đồng bộ. Các cơ sở lưu trú từng bước khôi phục hoạt động trở lại.
Đón mùa vàng du lịch năm nay, đặc biệt là thời điểm đón khách quốc tế (từ tháng 9), nhiều cơ sở lưu trú sẵn sàng cung cấp dịch vụ mới cho du khách. Giám đốc kinh doanh khách sạn Movenpick Hà Nội (phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thùy Bích Vân cho biết, khách sạn đang trong quá trình nâng cấp các hạng mục và sẽ mở cửa vào đầu tháng 10 tới để đón khách quốc tế. Khách sạn sẽ đầu tư dịch vụ ẩm thực, giải trí, bể bơi cho du khách, đồng thời có chính sách giá kích cầu hấp dẫn.
Còn theo Giám đốc điều hành khách sạn Sheraton (phố Xuân Diệu, quận Tây Hồ) Bùi Xuân Đăng, hiện nay đơn vị đã có chiến lược quảng bá, tiếp thị (marketing) với nhiều đối tác nước ngoài về chính sách phòng, chất lượng dịch vụ của khách sạn. Hệ thống khuôn viên, cây xanh và các dịch vụ tiện ích của khách sạn được chú trọng để tạo không gian trải nghiệm xanh cho du khách. Trong khi đó, thông tin từ khách sạn Grand K (phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy) cho biết, nhu cầu, thói quen của du khách đã thay đổi sau dịch Covid-19, vì thế đơn vị sử dụng các vật liệu bảo vệ môi trường trong các tiện ích sử dụng.
Ở khu vực phố cổ, nơi thu hút khách quốc tế lưu trú, nhiều khách sạn đã được “hồi sinh” sau dịch Covid-19. Quản lý khách sạn Boutique and Spa Hotel (Mã Mây, quận Hoàn Kiếm) Đặng Minh Thời cho biết, hiện đơn vị tăng cường quảng bá hình ảnh, chính sách đặt phòng cởi mở tại các ứng dụng để kết nối với du khách nhiều hơn.
Khu vực ngoại thành Hà Nội, hoạt động lưu trú sôi động rõ rệt. Trong thời điểm hè, nhiều cơ sở lưu trú kín khách đặt vào cuối tuần như: Medi Thiên Sơn, Asean resort (Ba Vì), Làng Mít, Glory resort (Sơn Tây)… Hiện nay, một số cơ sở lưu trú mở thêm nhiều dịch vụ trải nghiệm cho du khách như tắm thuốc, tắm khoáng, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe hoặc kết hợp với một số điểm tham quan để khách có thể lưu trú dài ngày.
Cần hoạt động chuyên nghiệp
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến tháng 6-2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tháng 6-2023 ước đạt 65,9%, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh những cơ sở lưu trú hoạt động hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét cho việc thu hút du khách lưu trú lâu dài, vẫn có không ít cơ sở lưu trú còn tồn tại bất cập.
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), hiện nay, có không ít cơ sở lưu trú chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đi vào hoạt động. Điều này không bảo đảm an toàn cho du khách.
Để giải quyết những khó khăn, bất cập, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các cơ sở lưu trú, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Đỗ Hồng Xoan cho rằng, các cơ sở lưu trú cần chính sách thu hút trở lại nguồn nhân lực và tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, chỉ dẫn, đón khách quốc tế.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Hà Nội), thói quen du lịch của khách quốc tế thay đổi so với trước. Cơ sở lưu trú cần sử dụng các ứng dụng công nghệ 4.0, truyền thông số để đẩy mạnh quảng bá, có cơ chế để khách dễ dàng đặt phòng trực tuyến từ xa. Bên cạnh đó, để du khách ở lại lâu, cơ sở lưu trú cần xây dựng bản đồ du lịch tour các điểm tham quan gần nhất để khách có thêm những hoạt động trải nghiệm.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra rà soát hoạt động của cơ sở lưu trú; ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Sở đề nghị các đơn vị du lịch nhanh chóng xây dựng các sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để chủ động đón khách, đặc biệt là vào mùa cao điểm hè và cao điểm đón khách quốc tế bắt đầu từ tháng 9.