-Em chào cô ạ!!!
-Ơ, em là…
-Dạ, em là học sinh cũ của cô hồi cô dạy ở Trường Cấp 3 Phú Lương, thị trấn Đu (Phú Lương).
Chúng tôi ôm choàng lấy nhau, nhờ người chụp cho vài kiểu ảnh. Cô học trò ngày nào nay tuổi ngoài ngũ thập, đã lên chức bà ngoại. Cô kể bao nhiêu kỷ niệm về tôi, nào là hồi ấy cô trẻ lắm (tôi ra trường mới 21 tuổi), nào là hồi ấy nhìn cô buồn lắm, mắt lúc nào cũng như muốn khóc. Ừ nhỉ, tôi đã có quãng ngày tháng như thế đấy.
Đoàn Thanh niên Trường THPT Phú Lương thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua và hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh: TL |
Tháng 8 – 1983, tôi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Bốn năm trước, hôm trao giấy báo nhập học, chú cán bộ Ty Giáo dục trịnh trọng động viên: Các cháu là hạt giống đỏ, sau khi học tập sẽ về cống hiến cho quê nhà. Vậy nhưng sau khi tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học trở về địa phương như lời hẹn, thì “các trường cấp 3 đều đã đủ giáo viên, cháu cứ chờ đã”.
Gạo nhà nước cấp cho 3 tháng đã sắp hết, tôi sốt ruột thỉnh thoảng lại lên Ty hỏi, vẫn câu trả lời “chờ đã”. May sao, đầu năm 1984, tôi được phân công lên dạy ở Trường Cấp 3 Phú Lương. Từ thành phố lên trường khoảng 20km, bây giờ đi xe máy “vèo cái” là đến. Nhưng ngày ấy tôi chỉ có cái xe đạp Miền Nam, khung sườn õng ẹo, xích nhão, líp vênh, đi một đoạn xích lại văng ra khỏi đĩa, cứ vừa đi vừa lắp. Xếp đồ đạc lên cái xe cà khổ, tôi háo hức đạp xe lên trường nhận nhiệm vụ, bao nhiêu là mường tượng mở ra trong đầu cô gái mơ mộng. Nào là hoa phượng và những tà áo trắng, nào là những vần thơ tôi đọc sẽ khiến bao học trò trở nên mê mẩn văn chương…
Nhưng hiện thực kéo tuột tôi xuống mặt đất. Ngôi trường khi đó là mấy dãy nhà trát đất, mái lợp lá cọ, xếp hình chữ U quanh cái sân đất rộng. Trong lớp, lỏng chỏng mấy cái bàn dài cập kênh. Ghế ngồi là thân cây tre chôn chân xuống đất. Học trò chỉ kém tôi dăm bảy tuổi, chúng chỉ trỏ trêu đùa, có đứa hét toáng lên “em ơi”.
Tôi được phân một nửa gian nhà tập thể chừng 15m2, nửa còn lại là chỗ tập kết xương trâu, xương bò của học sinh đóng góp làm quỹ lớp. Ngăn giữa tôi và đống xương xẩu là tấm vách trát bùn, cao hơn đầu người. Hầu hết giáo viên trong trường sống chật vật. Nhiều chị đi họp tay bế con tay đan len thuê. Hết giờ lên lớp là các anh chạy lên rừng kiếm củi, chặt cây chít về bện chổi bán, cuốc đất trồng rau nuôi lợn. Các hộ độc thân chúng tôi thì đêm đêm đan nón dưới ngọn đèn dầu. Được dăm cái nón mang ra chợ Đu bán, có lần bị quản lý chợ mắng bán nón là “mất tư cách giáo viên” và đòi thu thuế.
Những lúc rỗi rãi, tôi hay đến Đền thờ Dương Tự Minh để hít hà mùi thơm của hoa Ngọc Lan và để tâm sự với… Thánh Đuổm. Nhiều bài thơ, bài ký của tôi được đăng và in sách giai đoạn đó phảng phất màu cỏ cây núi thiêng và thoảng mùi hương khói.
Nghiệp “gõ đầu trẻ” của tôi chỉ được hơn 2 năm, tôi chuyển hẳn sang nghiệp chữ nghĩa và về thành phố Thái Nguyên. Nhiều lần lên thăm viếng cụ Dương Tự Minh, tôi rẽ vào ngắm chốn xưa. Tên trường đường bệ, các khu lớp học cao tầng lợp ngói đỏ.
Ngày thứ hai đầu tuần, nữ sinh mặc áo dài trắng muốt. Các thầy cô giáo óng ả chứ không tất tưởi, lem nhem như chúng tôi ngày nào. Trên trang web của ngành Giáo dục Thái Nguyên, tôi đọc được những dòng chữ này: “Trường THPT Phú Lương là một trong những ngôi trường được đánh giá là có chất lượng đào tạo tốt hàng đầu trong tỉnh. Trường là mục tiêu của nhiều em học sinh trên địa bàn. Việc trở thành học sinh của trường là niềm tự hào đối với học sinh”.
Tôi định nói cho cô học trò cũ lý do vì sao hồi đó mắt tôi buồn. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, điều đó chẳng còn quan trọng nữa. Bây giờ dưới mái trường này, chỉ có niềm vui ngời lên trong từng đôi mắt.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202411/co-mot-ngoi-truong-duoi-chan-nui-duom-38b09ea/