Mỗi khi đến ngày giải phóng hàng năm, ông tôi lại khoác trên mình bộ quân phục năm xưa trên ngực gắn đầy huy chương, lái chiếc cub đi thăm đồng đội. Năm nay, ông bắt đầu yếu rồi không còn tự đi được nữa tôi mới xung phong chở ông đi. Cũng nhờ thế tôi mới thấy được một cuộc sống rất khác của ông với những kỷ niệm không bị thời gian bào mòn thời kháng chiến.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Bao giờ cũng vậy, bắt đầu cuộc hành trình, ông sẽ bảo tôi chở đến nghĩa trang liệt sĩ, nơi các đồng đội của ông đã ngã xuống trong những trận mưa bom bão đạn rát mùi khói chiến tranh. Lúc nào ông cũng đứng im lặng thật lâu trước tượng đài, thắp nén nhang và lầm bầm một điều gì đó tôi không rõ, cứ như đang kể chuyện cho đến khi nén nhang tàn.
Ở đây có nhiều đồng chí là đồng đội của ông ngày xưa, ông đã hứa với họ cho tới khi nào còn có thể mỗi năm đều đến đây thăm họ và kể họ nghe về những đổi mới của Tổ quốc.
Ông kể tôi nghe thời các ông sống như du kích trong rừng cuộc sống kham khổ lắm. Những cơn sốt rét rừng cứ chực chờ đánh gục các ông nhưng họ vẫn ngoan cường bám trụ. Ngày ấy địch bắn rát lắm, nhưng cuộc sống dù có khó khăn cách mấy cũng phải biết tận dụng những niềm vui ít ỏi để luôn có sự lạc quan mà chiến đấu ngoan cường. Ông bảo ngày đó tấm hình của bà và ba tôi là động lực lớn nhất được ông cất giữ trong túi áo ngay cạnh tim, luôn tâm niệm chiến tranh sẽ mau chóng kết thúc để về đoàn tụ với gia đình.
Tôi chở ông đến nhà ông Manh, một đồng đội của ông năm xưa. Căn nhà cấp 4 giữa trời đương nắng của người thương binh hạng 4/4 này không ngăn nổi sự cháy bỏng của tình đồng chí non năm rồi mới gặp lại.
Các ông nói về thời trong rừng, khi ông tôi bị sốt rét đến rụng cả tóc, chính ông Manh là người cạo trọc cho… dễ nhìn khi mái đầu bắt đầu nham nhở. Bữa cơm lính ngày ấy cũng khá đạm bạc, chủ yếu là gạo sấy, thứ gạo mà khi lấy nước chế vào sẽ bung ra thành cơm ăn dắt bụng, thức ăn kèm theo là chủ yếu các loại rau rừng.
Tây Nguyên mùa ấy nắng cháy da, kéo theo những bụi mịt mù trên con đường đất đỏ ngăn cản sự vươn mình của cây xanh nên rau không mọc nổi. Lúc bấy giờ các ông lại để ý đến những bụi chuối của đồng bào Mông với từng buồng hoa chuối đỏ nom ngon mắt. Ban đầu các ông vào ướm lời hỏi xin nhưng khi biết các ông là chiến sĩ, người dân nơi đây chủ động cắt từng buồng rồi lại cử người tìm cho, vận chuyển lương thực để tránh tai mắt kẻ địch. Hoa chuối xào tỏi hay nộm hoa chuối ngày ấy là các món đưa cơm nhất.
Ông có nhớ cái thằng Hàn không, đúng là anh nuôi khéo tay, cứ thế với chén mắm là ba bốn bát cơm ngay. Hai người lính già nhớ lại thời kỷ niệm chiến đấu cứ như tất cả vừa xảy ra chỉ mới hôm qua. Ngày ấy đôi khi không dám đốt lửa ban đêm vì sợ địch lần ra nên cũng hành quân di chuyển liên tục, nếu đóng quân gần suối có cá thì bữa ăn còn thêm món, còn không thì các anh nuôi phải “trổ tài” với rau rừng liên tục. Cũng may, người lính luôn có đồng bào các dân tộc hỗ trợ, tình quân dân cũng được xây dựng dựa trên tình yêu nước vững bền.
Ngày đó mà không có đồng chí Ngâm là ông cháu bỏ mạng tại rừng rồi. Ngày ấy địch tập kích, ông cháu trúng đạn, còn thoi thóp, mình đồng chí ấy cõng ông lội đèo vượt suối đến bệnh viện dã chiến mổ gắp rồi còn truyền máu, may sao vẫn sống. Thế mà trong một lần tập kích khác, ân nhân ấy đã hy sinh. Ông Manh vừa rít điếu thuốc vừa trầm ngâm kể làm mắt ông tôi cũng ươn ướt.
Xế chiều, tôi lại cùng hai ông đến buổi họp Hội Cựu chiến binh. Những người lính già lâu năm gặp lại, quân phục màu xanh được cất giữ bao năm lại được là ủi phẳng phiu cùng những chiếc huy chương gắn đầy trên ngực như minh chứng cho chiến đấu hào hùng. Nhiều câu chuyện thời lính được các ông kể, như thời ngủ trên chiếc võng với các miếng tăng che mưa nắng, trời nóng hầm hập; những khi buồn chán, các ông lại kể chuyện gia đình với những lần hội ngộ ít ỏi hoặc cùng nhau hát vang Quốc ca…
Tôi để ý thấy ở một góc phòng có bốn cựu chiến binh cùng nhau ngồi hô những nước đi của một bàn cờ như đang đánh cờ, nhưng trên bàn lại không có bàn cờ nào. Ông tôi bảo: Họ đã mất đi đôi mắt trong chiến tranh nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn lắm, họ tự đánh cờ bằng trí nhớ đấy. Rồi tôi nghe một người hô lên “chiếu tướng” và những người còn lại tặc lưỡi nói tiếc quá nhưng gương mặt tràn đầy vui vẻ.
Sinh hoạt của những người cựu chiến binh già luôn tràn đầy niềm vui sống. Trên đường đi về ông còn kể cho tôi nghe một chuyện mà đến giờ ông vẫn cảm thấy vô cùng xúc động. Năm ấy là mùa Xuân giải phóng, ông cùng đồng đội hòa vào ngày đoàn tụ về thăm lại quê nhà, khi ông về đến nhà là đã chạng vạng tối, lúc bấy giờ ông thấy một hình bóng quen thuộc vẫn đang dở tay quét sân cho lũ gà ăn, là bà. Vừa thấy ông, bà như gặp phải ma, có chút thảng thốt nhưng dòng lệ rưng rưng: Ông “về” đấy ư? Đình ơi, ba mày “hiện về” thăm mày đây.
Lúc bấy giờ ông vừa buồn cười vừa xúc động, khi vào trong nhà thì đã thấy bàn thờ mình khói hương nghi ngút. Trong những năm tháng chiến tranh khi đường thông tin liên lạc đôi khi bị cắt đứt, có những hậu phương và những tin về nghĩ người thân đã hy sinh trong khói lửa. Bà cũng nghe tin ông hy sinh…
Tự nhiên tôi có cảm giác tôi dường như có một ngày nghỉ rất khác so với những gì tôi đã trải qua, vừa biết thêm về cuộc sống của ông, về những năm tháng hào hùng khi ấy, vừa biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh và vẫn đang cống hiến cho nước nhà.