Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 537 hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm, nhiều hợp tác xã đẩy mạnh chế biến sâu và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Các sản phẩm xúc xích, thịt sấy khô, lạp xưởng tươi của Hợp tác xã bò Mông số 11 (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận. |
Hợp tác xã (HTX) bò Mông số 11, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), được thành lập từ năm 2019 với 8 thành viên. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của HTX là chăn nuôi bò vỗ béo, sinh sản. Khi mới thành lập, việc chăn nuôi bò của HTX diễn ra khá thuận lợi do đầu ra và giá cả sản phẩm ổn định.
Từ năm 2020, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, HTX gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá bò hơi xuống thấp, nhiều thời điểm chăn nuôi không có lãi, dẫn đến thu nhập của các thành viên và người chăn nuôi bò liên kết với HTX bị ảnh hưởng.
Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2022 đến nay, HTX bò Mông số 11 đã kết hợp giữa bán bò thương phẩm và sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt bò, như xúc xích, thịt sấy khô, lạp xưởng tươi…
Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX, cho biết: Chúng tôi đã liên kết với các lò mổ trong tỉnh để bán bò thịt, sau đó sẽ lấy một lượng thịt đạt tiêu chuẩn để chế biến các sản phẩm. Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX chế biến từ 20-25kg thịt bò tươi thành các sản phẩm. Việc kết hợp để chế biến sâu sản phẩm góp phần nâng cao giá trị mỗi con bò từ 1,5-2 lần so với bán bò thương phẩm.
Kết hợp giữa chăn nuôi gà, lươn thương phẩm với chế biến sâu cũng là hướng đi của HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh (Phú Bình). Hiện nay, HTX nuôi khoảng 25.000 con gà và 15.000 con lươn. Khoảng 2 năm nay, cùng với bán gà và lươn thương phẩm, HTX còn chế biến các sản phẩm như gà, lươn hút chân không, khô gà lá chanh.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX, cho biết: Việc đa dạng hóa sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay mà còn giúp HTX nâng cao giá trị sản phẩm so với chỉ bán gà, lươn thương phẩm. Điều này cũng giúp HTX ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất khi giá gà, lươn thương phẩm trên thị trường xuống thấp.
Cách làm của HTX bò Mông số 11 và HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú cũng đang được nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện và mang lại hiệu quả khả quan. Đa phần các HTX này trước đây chủ yếu cung cấp ra thị trường sản phẩm ở dạng thô thì nay đã chế biến nhiều sản phẩm chuyên sâu, được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường, như gà ủ muối, ruốc gà, giò gà, cơm cháy, trà hoa sâm, kẹo lạc trà xanh…
Để hỗ trợ các HTX chế biến sản phẩm chuyên sâu, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, như: hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc; phát triển nguồn nhân lực; bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ về khoa học – kỹ thuật trong chế biến; tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi…
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, chia sẻ: Để các sản phẩm sau chế biến được đông đảo người tiêu dùng biết đến, chúng tôi đã phối hợp với các HTX và chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối, phiên chợ, tuần lễ xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của các HTX nông nghiệp. Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh còn tạo điều kiện cho khoảng 100 HTX tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/che-bien-sau-de-nang-cao-gia-tri-nong-san-78504e8/