Sạt lở đất, đá đang trở thành nỗi lo thường trực của người dân sống ở khu vực trung du, miền núi. Theo cơ quan chuyên môn, sạt lở đất, đá đang có xu hướng gia tăng và gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn. Những vụ sạt lở đất, đá gần đây tại tỉnh Lầm Đồng cho thấy đây là vấn đề đáng báo động. Với Thái Nguyên, thực tế cho thấy, nhiều nơi đang thuộc diện nguy cơ cao về sạt lở đất, đá cần phải có phương án phòng, tránh kịp thời.
Vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra cuối tháng 6 vừa qua ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 4 người bị thương, một số nhà dân bị đổ, hư hỏng, một lần nữa cho thấy sạt lở đất gây thiệt hại lớn đến mức nào.
Còn nhớ cách nay mấy năm, vụ sạt lở kinh hoàng tại khu vực xây dựng Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), khiến hàng chục người chết càng khẳng định tính chất nguy hiểm, bất thường và gây hậu quả khôn lường mà thiên tai gây ra.
Còn tại Thái Nguyên, chắc hẳn chưa ai quên vụ sạt lở bãi thải Mỏ than Phấn Mễ tại xã Phục Linh (Đại Từ) cách nay 11 năm làm 6 người dân địa phương thiệt mạng. Do mưa lớn kéo dài, nền đất bãi thải yếu đã khiến hàng nghìn khối đất, đá từ trên cao đổ ụp xuống vùi lấp một số nhà dân sinh sống cạnh đó.
Năm ngoái, tại xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), xảy ra vụ sạt lở đất khiến 3 người tử vong. Gần đây cũng xuất hiện nhiều hơn số vụ sạt lở ở các huyện miền núi của tỉnh. Đáng chú ý nhất là khu vực Đèo So qua huyện Định Hóa cũng liên tục bị sạt lở gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông…
Lâu nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, người dân khu vực miền núi vẫn có thói quen san một phần đất của quả đồi thuộc sở hữu để lấy mặt phẳng làm nhà. Chính vì những tác động này mà khi có mưa lớn kéo dài, nguy cơ đất đồi sạt xuống nhà là rất cao. Hơn nữa, bà con vẫn còn tập quán làm nhà gần sông, suối, khi mùa mưa bão đến sẽ rất dễ gây lở đất, cuốn trôi nhà cửa.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sạt lở đất xuất hiện sau những cơn mưa lớn. Trên triền đồi, núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm nên vào mùa mưa luôn trong trạng thái bão hòa nước, đồng thời rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn nên không có khả năng giữ nước, gây ra hiện tượng sạt lở.
Do sạt lở đất thường xảy ra đơn lẻ tại các vùng núi có kết cấu đất yếu nên công tác dự báo và phòng ngừa gặp khó khăn.
Để phòng tránh sạt lở đất hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần phải tăng cường hệ thống cảnh báo sớm để người dân biết, chủ động ứng phó. Cần thiết phải có khảo sát và công khai các khu vực, vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ lụt, sạt lở đất đá của từng địa phương. Đồng thời dành nguồn kinh phí xứng đáng hỗ trợ trang bị cho các địa phương phương tiện cảnh báo hiện đại.
Tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai tại khu vực miền núi, nghiêm cấm việc tự ý san gạt đất đồi núi để làm nhà ở và các công trình khác.
Quan trọng hơn chính là nâng cao nhận thức của cộng đồng và mỗi người dân, nhất là đồng bào miền núi, vùng cao về phòng chống sạt lở đất, đá…