Làng tôi bên sông Cầu. Đôi bờ tre xanh ngát la đà thả gió vào lênh lang sóng. Từ bến sông, tre nối nhau bao bọc quanh làng, len vào từng ngõ nhỏ. Trưa Hè, tre khỏa bóng lên mái tranh nghèo những chùm hoa nắng. Đêm trăng, lũy tre khảm khắc vào trời như bức cổ thạch. Lời ru của mẹ bên vành nôi tre chao nghiêng trong cánh cò trên những vòm tre ấy.
Trong giấc mơ tuổi thơ tôi, Thánh Gióng nhổ khóm tre đánh tan giặc Ân, từ truyền thuyết bước ra làm người dân quê cày bừa, cấy hái. Nhiều lần nằm trên chiếc chõng tre đọc truyện, tôi thầm ước giá có phép mầu nhiệm cho chiếc chõng bay lên giữa mây ngàn gió núi.
Người làng tôi bao đời gắn bó với cây tre. Tre dùng để dựng nhà, đóng các vật dụng như cối xay thóc, chạn bát, thậm chí cả giường nằm. Tre để đẽo đòn gánh, phương tiện thiết yếu của nhà nông.
Tre còn là vật liệu đan bồ thóc, thúng mủng giần sàng nong nia. Những chiếc rổ rá xinh xinh tre không thể thiếu. Đưa tiễn người quá cố về với tiên tổ, người làng chặt tre làm đòn, lạt. Ngày nông nhàn nhiều gia đình quây quần đan chổi tre bán. Ngoài ao làng, rất nhiều nhà có ao thả cá. Một góc bờ ao là chiếc cầu tre nhỏ ghép bằng ba đến bốn đoạn tre già để giặt giũ, vớt bèo, cọ rửa nông cụ.
Tôi còn nhớ có lần cô giáo ra bài tập nêu công dụng của tre, tôi liệt kê mọi thứ nhà mình có, kể cả đũa ăn cơm, đũa cả, rế lót nồi, chiếc tăm. Kiểm tra bài, cô giáo nhắc tre còn dùng vót chông, làm mũi tên của cung nỏ, rào làng đánh giặc…
Nhiều năm nay làng tôi không còn nhà tre lá. Hàng rào xây bằng gạch thay thế hàng rào tre. Vật dụng tiện ích mọi nhà đồ bằng tre cũng ít. Rặng tre thưa dần.
Hình bóng làng xưa ngập tràn miền ký ức. Đêm nằm nghe gió thổi, tôi như nghe trong gió có cả lời tre…